Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV sẽ truyền tải được tinh thần đổi mới của Quốc hội ngay trong Kỳ họp này (*)
Tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ tư HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 ngày 07/12/2016, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã dự, thông báo kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV và phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Trang Thông tin điện tử Hội đồng nhân dân tỉnh đăng toàn văn bài phát biểu:
Kính thưa đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu. Thưa các vị đại biểu. Thưa toàn thể đồng bào, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu. Hôm nay, Tôi rất vui mừng, phấn khởi về dự kỳ họp lần thứ tư HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu HĐND tỉnh, cùng toàn thể đồng bào, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi. Chúc kỳ họp thứ tư, của Hội đồng nhân dân tỉnh thành công tốt đẹp. Thưa các quý vị đại biểu! Nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Lai Châu, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, tôi xin báo cáo HĐND tỉnh và cử tri tỉnh Lai Châu một số nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Qua hệ thống thông tin truyền thông, các đồng chí và cử tri đã có điều kiện theo dõi các nội dung của Kỳ họp, có thể nói Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV là Kỳ họp có nhiều đổi mới, thể hiện tinh thần là một Quốc hội đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối năm 2016 trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Năm 2016, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đã kiện toàn được hệ thống chính trị của Trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Nhìn tổng thể, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 khá tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt khá, dự báo từ 6,3-6,5%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, xã hội có bước tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, là hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng đứng trước những thách thức, khó khăn rất lớn: mặc dù tăng trưởng kinh tế là khá tích cực song tốc độ tăng trưởng không đạt được mục tiêu đã đề ra, yếu tố tăng trưởng chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và chi tiêu của Chính phủ, yếu tố từ nội tại nền kinh tế là sản xuất và tiêu dùng, từ lĩnh vực xuất nhập khẩu còn hạn chế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định song tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro thể hiện qua chỉ số CPI còn cao, vấn đề tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính chưa thực sự vững chắc. Đặc biệt, chúng ta đứng trước 2 thách thức lớn là vấn đề xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ công. Ngoài ra, thách thức thứ 3 của nền kinh tế đang đối mặt là khi chúng ta tham gia 12 FTA và dự kiến tham gia TPP, đây là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đòi hỏi chúng ta đứng trước áp lực cạnh tranh để phát triển kinh tế trong nước. Một vấn đề quan trọng khác là chúng ta đang trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế song kết quả chưa đạt được yêu cầu đề ra, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã phê duyệt; hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp; Tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để; Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công... Tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực trong nội bộ ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là khâu chậm và yếu nhất. Muốn cơ cấu lại nền kinh tế chúng ta cần một nguồn lực rất lớn và nguồn lao động chất lượng cao. Đến nay, 2 vấn đề này vẫn đang là thách thức lớn của chúng ta. Trước những yêu cầu, thách thức nói trên, mặc dù đây mới là Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV nhưng Quốc hội đã khẩn trương, tập trung xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo lập môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tạo sự thông thoáng cho nền kinh tế, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời xác định mục tiêu phát triển cho 5 năm tiếp theo, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng trong nhiều lĩnh vực ngay trong kỳ họp lần này. Cụ thể: (1) Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh tế: tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 3 Dự án luật, cho ý kiến về 12 Dự án luật khác tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quy hoạch, đường sắt, thuỷ lợi, du lịch, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, quản lý ngoại thương, chuyển giao công nghệ… nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập hiện nay. - Ví dụ, Quốc hội đã thông qua Luật đấu giá tài sản nhằm xây dựng hành lang pháp lý trong hoạt động đấu giá, đảm bảo theo cơ chế thị trường, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản và tạo lập một cơ chế mở hơn cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, làm tan dần “cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu lưu thông dòng tiền của nền kinh tế”. - Dự án Luật thứ 2 trong lĩnh vực kinh tế được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, qua đó đã tạo điều kiện thông thoáng hơn, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm nhưng vẫn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. - Quốc hội cũng dành thời gian cho ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính khả thi, thiếu thống nhất, gây lãng phí nguồn lực và làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. - Quốc hội đã cho ý kiến để hướng tới xem xét thông qua Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo nguyên tắc thị trường và hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đất nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp thực sự đi vào sản xuất, kinh doanh. Cũng ngay tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 11 Nghị quyết thì có đến 09 Nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, trong đó có những Nghị quyết rất quan trọng và thể hiện sự đổi mới của Quốc hội như: - Nghị quyết về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020: xác định được mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước, về vay nợ và mức trần nợ công; xác định những định hướng lớn trong chính sách thu, chi trong 5 năm tới, để có tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng “bấc đến đâu, dầu đến đó”, đồng thời đổi mới toàn diện cơ chế quản lý ngân sách, từng bước khắc phục các tồn tại của cơ chế quản lý NSNN truyền thống, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là các quy định tiến bộ của Luật NSNN năm 2015 để quản lý chặt chẽ tài chính công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. - Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua đã cân đối nguồn lực dành cho đầu tư phát triển của cả giai đoạn, xác định rõ mục tiêu, định hướng đầu tư và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, nhằm khắc phục tình trạng xin cho như thời gian vừa qua. Đồng thời xác định các công trình trọng điểm quốc gia triển khai thực hiện trong giai đoạn như dự án đường cao tốc Bắc - Nam; dự án chống ngập TP. Hồ Chí Minh, tạo bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. - Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để đất hoang hóa. - Nghị quyết về dừng thực hiện chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: được Quốc hội xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng về các điều kiện bảo đảm, do tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi về điều kiện kinh tế-xã hội, giá thành so sánh sản xuất điện hạt nhân khi quyết định dự án cao hơn giá thành sản xuất từ một số năng lượng khác như dầu, khí thời điểm hiện tại, mặt khác, nếu tiếp tục thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nợ công và phát sinh một số vấn đề đã lường trước. (2) Thứ hai, trong lĩnh vực các vấn đề xã hội: - Để đảm bảo thận trọng do còn nhiều ý kiến khác nhau, tránh xảy ra những sai xót, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3. - Tại các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. - Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp năm 2013. (3) Thứ ba, về lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại: - Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thực hiện thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn đẩy mạnh thu hút người nước ngoài đến du lịch, khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó, tác động trực tiếp, tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội nước ta. (4) Thứ tư, về giám sát tối cao tại kỳ họp Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Qua giám sát, Quốc hội đã chỉ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, như: - Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; - Công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chí quốc gia về nông thôn mới chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của mỗi vùng, miền, địa phương; - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn chậm, chưa gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ với sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa bền vững; chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao; ô nhiễm môi trường nông thôn đang đặt ra nhiều thách thức; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; - Nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng nợ kinh phí lớn; có tình trạng lạm thu, thu quá mức so với thu nhập của người dân; vai trò chủ thể của người dân tại nhiều nơi chưa thực sự được phát huy. - Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên, có trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình; trách nhiệm của một số địa phương, cơ sở không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. - Từ kết quả giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 40%-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khắc phục được những tồn tại, yếu kém nêu trên trong giai đoạn vừa qua, nâng cao đời sống cho người nông dân và thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong nông nghiệp. (5) Thứ năm, về hoạt động chất vấn tại kỳ họp: Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, cũng là một hoạt động giám sát quan trọng tại các kỳ họp của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2, đã có 2.406 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; đã có 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã dành thời gian 2,5 ngày để chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 04 Bộ trưởng thuộc các lĩnh vực quan trọng là: công thương, tài nguyên và môi trường, giáo dục-đào tạo và nội vụ. Các phiên chất vấn được cải tiến về cách thức điều hành, trong đó có việc tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước. Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội đã nghiêm khắc phê phán trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với một cán bộ lãnh đạo cao cấp là ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ công thương nhiệm kỳ 2011-2016 do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn; giao Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; giao các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước. Thưa các vị đại biểu. Những thành công của Kỳ họp Quốc hội chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tôi rất mong Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV sẽ truyền tải được tinh thần đổi mới của Quốc hội ngay trong Kỳ họp này. Theo đó, tôi xin lưu ý một số vấn đề sau: - Một là, đề nghị Hội đồng nhân dân, các đại biểu cần quán triệt tinh thần Nghị quyết của Quốc hội thể hiện trong các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như: kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. - Hai là, cần xác định vấn đề cốt lõi, phát huy những lợi thế của tỉnh để quyết định đúng đắn các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách địa phương và quyết định kế hoạch đầu tư của giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn đảm bảo có hiệu quả và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. - Ba là, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường công tác giám sát, tranh luận, thảo luận trong Kỳ họp để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương đạt kết quả cao nhất. Thưa các vị đại biểu! Tôi tin tưởng rằng, dưới sự Lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp có hiệu quả với Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng với phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân, Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu sẽ thành công tốt đẹp và đạt được kết quả cao. Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, xin chúc các vị đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu, cùng toàn thể các đồng chí, đồng bào, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn! (*) Tiêu đề do BBT đặt Tin liên quan Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về Kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV(01/06/2023 10:41:49 SA) Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(29/05/2023 9:18:09 SA) Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH) Tin mới nhất Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên(04/06/2023 3:56:12 CH) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại xã Phúc Than, Mường Than, huyện Than Uyên (01/06/2023 4:47:18 CH) Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại các xã Pha Mu, Mường Cang huyện Than Uyên(01/06/2023 3:37:01 CH) Thông báo Chương trình công tác tháng 6 năm 2023 của Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh(01/06/2023 3:11:40 CH) Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về Kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV(01/06/2023 10:41:49 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |