14769 lượt truy cập
Trang chủ Tin hoạt động Đoàn ĐBQH Tin hoạt động

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Khảo sát tại tỉnh Lai Châu
(Ngày đăng :16/04/2022 6:56:26 SA)


Đ/c Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Tổ trưởng giám sát tại xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ

Ngày 14/4/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức khảo sát công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của “tục kéo vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ và xã Tung Qua Lìn, Dào San, huyện Phong Thổ.

Đoàn khảo sát chia thành 2 tổ, tổ 1 do đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Tổ trưởng. Tham gia cùng đoàn có đồng chí Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; đồng chí Phạm Nam Tiến, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đồng chí Vũ Minh Đạo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Tổ 2 có các đồng chí Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là Tổ trưởng; đồng chí Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc; các đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang, Lại Phương Dung, Thiều Đức Dũng - Chuyên viên chính Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội.

Theo báo cáo của các xã đoàn làm việc, truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, khi con trai đến tuổi trưởng thành, có người yêu và muốn kết hôn, cha mẹ chuẩn bị một số lễ vật để mang đến làm lễ dạm hỏi. Thông thường nhà trai phải đến nhà gái ít nhất 02 lần trở lên mới được đồng ý gả con gái cho chàng trai làm vợ. Tuy nhiên có những trường hợp nhà gái cương quyết từ chống hôn sự do mâu thuẫn giữa các dòng họ, gia đình nhưng khi đôi trai gái đã trưởng thành, muốn nên duyên vợ chồng, nhà trai vẫn chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ đón dâu, khi đó người con trai sẽ hẹn với người yêu đợi nửa đêm cha, mẹ ngủ say sẽ lén mở cửa vào nhà để đưa người con gái về nhà mình, đợi trời sáng, cha mẹ chàng trai sẽ cử người đến nhà gái thông báo con trai đã “rước” con gái họ về làm vợ và nhà gái không phải đi tìm. Đến ngày thứ ba, nhà trai chuẩn bị sính lễ, mời người đã được cử đến nhà gái thông báo làm chủ hôn, một phù rể, đôi vợ chồng trẻ đến nhà gái thỉnh tội và tiến hành lễ ăn hỏi. Vì vậy tục bắt vợ xuất phát từ việc cấm đoán, ngăn cản con gái kết hôn với người yêu. Thực chất, tục bắt vợ của người Mông đều dựa trên dự tìm hiểu kỹ của hai bên nam nữ và xin ý kiến của cha mẹ, sau đó thực hiện các nghi lễ cưới, hỏi. Vì lẽ đó, hình thức bắt vợ được cộng đồng người Mông chấp nhận qua nhiều thế hệ rồi trở thành nét đặc trưng riêng của dân tộc Mông.

Qua làm việc với UBND các xã Tả Ngảo, Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ), xã Tung Qua Lìn, Dào San (huyện Phong Thổ) cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí ngày càng cao, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ nên những năm gần đây trên địa bàn các xã không còn tục “Bắt vợ - Kéo vợ - Trộm vợ”. Theo quan điểm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và già làng có uy tín đều cho rằng, tục “kéo vợ” là một nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nếu cả nam và nữ đều đồng thuận và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và mong muốn duy trì phong tục tập quán, lưu giữ nhưng nét văn hóa tốt đẹp đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, các đồng chí cũng lo lắng bị lợi dụng, biến tướng, làm ảnh hưởng đến phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông, do đó một bộ phận người dân không còn có nhu cầu duy trì tục “kéo vợ” để tránh lợi dụng phong tục làm biến tướng bản sắc văn hóa truyền thống, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đồng bào dân tộc Mông nói riêng.

Đại diện lãnh đạo các xã trên địa bàn 2 huyện đều cho biết, tục bắt vợ trên địa bàn các xã không còn tồn tại, song tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra, trung bình mỗi năm (từ năm 2015 đến năm 2021) có từ 3 đến 7 cặp tảo hôn. Nguyên nhân, do người dân thiếu hiểu biết và trình độ học vấn thấp kết hợp với phong tục lạc hậu (qua tuổi 18 là đã quá lứa lỡ thì); sự quan tâm và chăm lo ở một bộ phận các bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái ở nhiều gia đình còn buông lỏng; sự phát triển của mạng xã hội và sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm về giới tính dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn; bên cạnh đó việc tuyên truyền chính sách pháp luật chưa thường xuyên, kịp thời; tính răn đe chưa cao dẫn đến nạn tảo hôn vẫn xảy ra.

Về giải pháp khắc phục việc lạm dụng biến tướng của tục ‘bắt vợ, kéo vợ, trộm vợ”, theo lãnh đạo của các xã cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục về nhận thức cho giới trẻ để phân biệt đâu là phong tục nguyên bản, đâu là biểu hiện của biến tướng; phân biệt giữa “kéo vợ” và “bắt vợ, cướp vợ”, từ đó có biện pháp xử lý mạnh hơn nếu có tình trạng biến tướng bắt vợ, cướp vợ; bổ sung thiết chế quản lý trong cộng đồng, đưa vào hương ước, quy ước; đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và bậc làm cha, mẹ để cùng nhau giáo dục lớp trẻ; đặc biệt cần có sự can thiệp của pháp luật trong việc xử lý những hành vi làm biến tướng, sai lệch giá trị truyền thống tốt đẹp của tục “kéo vợ” trong đồng bào dân tộc Mông cũng như nạn tảo hôn ở các địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đa số đại biểu đánh giá cao công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục nên số cặp tảo hôn hằng năm không tăng, năm sau thấp hơn năm trước, người dân dần nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Về phong tục “kéo vợ”, tuy không còn duy trì trên địa bàn các xã, song một số phong tục về cưới hỏi, ma chay của đồng bào nếu không phù hợp cũng nên xem xét để giảm bớt cho gọn nhẹ, vừa đảm bảo phong tục tập quán vừa đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết luận tại các buổi làm việc ở các xã thuộc 2 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đồng chí Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các xã đã giúp Nhân dân nhận thức và thực hiện tốt đời sống văn hóa, loại bỏ hôn nhân cận huyết thống và giảm dần tình trạng tảo hôn; đồng chí cũng đề nghị chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu; đồng thời quan tâm nâng cao thể trạng của người dân, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng để Nhân dân có sức khỏe tốt phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Huyền Thủy

Tin liên quan

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (12/05/2023 3:23:00 CH)

Tin mới nhất

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này