Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Sáng 04/01/2022, Quốc hội khóa XV đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả Kỳ họp từ ngày 04/01 đến ngày 11/01/2022 từ điểm cầu trung tâm Tòa nhà Quốc hội và 62 Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước. Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh.
Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội khóa XV,… Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu; Hoàng Văn Bình - Phó CHT BCH Quân sự tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và một số sở, ngành tỉnh,... Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để Kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung: Về tình hình phòng, chống dịch covid - 19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch covid - 19 nói chung và tại Công ty Việt Á. Chương trình phòng, chống dịch covid -19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,... Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp đã tiến hành các nội dung theo kế hoạch. Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe các tờ trình: Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các Ủy ban Quốc hội trình bày trước Quốc hội các báo cáo thẩm tra các tờ trình nêu trên... Buổi chiều, Quốc hội chia tổ thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại tổ đại biểu Lai Châu, đồng chí Giàng Páo Mỷ làm tổ trưởng, phát biểu đã rất đồng tình với các nội dung tại Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bởi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất kinh, doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế 02 năm qua giảm mạnh so với Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Trong điều kiện người dân không có việc làm, nhiều nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp ngừng hoạt động, việc ban hành chính sách hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Theo đại biểu, các giải pháp, quan điểm, nhóm mục tiêu rất trúng và đúng, kịp thời, có tính khả thi, dễ thực hiện, thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là với các biến thể mới đòi hỏi chúng ta phải rút kinh nghiệm như thời gian vừa qua, đó là hệ thống y tế chưa đủ mạnh, chưa đủ đáp ứng yêu cầu, các vật tư, trang thiết bị cho ngành y tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới khi mở cửa nền kinh tế chúng ta phải chủ động đảm bảo đủ vật tư, thiết bị để ứng phó mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời cần nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ, đặc biệt cần có chính sách đặc thù cho đội ngũ y, bác sỹ, nhất là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid -19 cũng như phòng chống dịch bệnh khác. Về giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu cho rằng sự cần thiết phải có chính sách đảm bảo, hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ phải khẩn trương có các hướng dẫn cụ thể, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Về nguồn lực bố trí cho chương trình với tổng kinh phí là 240 nghìn tỷ đồng thực hiện trong 02 năm 2022-2023, trong quá điều hành, phải có các giải pháp, chính sách hạn chế lạm phát, rút kinh nghiệm như các năm 2008-2009. Ngoài ra đại biểu kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần gửi tài liệu đến các đại biểu sớm hơn để có thời gian nghiên cứu, trao đổi, tham gia sâu hơn, kỹ hơn trước khi biểu quyết, Quốc hội cần có một cái nhìn tổng thể để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, thực sự phù hợp tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với nguồn lực hiện có. Tham gia vào nội dung này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nhận định: Chính phủ đã rất cố gắng, kịp thời trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường này, các nội dung Chương trình đã được trình bày chi tiết, có trọng tâm, đánh giá kỹ và sát tình hình thực tiễn. Tham gia vào các nội dung cụ thể, theo đại biểu, đề xuất của Chính phủ về đầu tư kết cấu hạ tầng đang tập trung cho một số dự án đường bộ cao tốc và một số dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, an toàn hồ đập, các dự án có tính lan tỏa đối với một số ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ dự kiến sẽ bố trí cho một số dự án chưa không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, việc triển khai các dự án sẽ rất khó thực hiện trong thời gian 02 năm 2022-2023, vì liên quan đến rất nhiều thủ tục, nhất là các dự án có liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đề nghị Chính phủ cần xém xét, rà soát kỹ danh mục, quy trình thủ tục. Hai là, Chương trình dự kiến bố trí 183.066 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, nhưng kế hoạch mới bố trí 136.000 tỷ đồng, đề nghị Chính phủ cần tính toán và làm rõ việc huy động nguồn lực còn thiếu. Mặt khác Chính phủ sớm xem xét, thực hiện tốt cải cách các thủ tục, nếu không cải cách mạnh mẽ thì rất khó giải ngân hết số vốn trong vòng 02 năm. Ba là, việc hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, nhưng nhìn chung việc triển khai còn chậm, Chính phủ cần sớm rà soát, đánh giá việc hỗ trợ, để tiếp tục rút kinh nghiệm, có chính sách đúng đắn, tránh một số vụ việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua. Đồng thời đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2021-2023; phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia và tổ chức thực hiện vì cử tri rất mong đợi và quan tâm./. Duy Khoan Tin liên quan Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (12/05/2023 3:23:00 CH) Tin mới nhất Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH) Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |