Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Hội trường dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục chương trình với các nội dung: thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022 và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tham gia nội dung thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tao Văn Giót đã có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan soạn thảo một số nội dung như: Việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục quy định tại Điều 19; quy định vị trí, chức năng của Thanh tra sở tại Điều 27. Đại biểu nhất trí việc tiếp tục thành lập thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục và việc giao UBND tỉnh thành lập Thanh tra sở. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất, theo đại biểu chỉ thành lập khi thật sự cần thiết. Do đó, trong dự thảo luật cần bổ sung các tiêu chí, nguyên tắc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục và Thanh tra sở để thực hiện thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thứ hai, về quy định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (từ Điều 90 đến Điều 94). Theo dự thảo luật, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Đại biểu cho rằng, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là cần thiết nhưng quy định giám sát của hoạt động thanh tra đối với thanh tra sở, thanh tra cấp huyện không hiệu quả và hình thức vì thực tế cơ quan thanh tra sở, thanh tra huyện biên chế từ 3 - 5 người, khi thành lập Đoàn Thanh tra thường do Chánh thanh tra làm trưởng đoàn, thành viên còn lại cơ bản đều là thành viên đoàn thanh tra. Do đó việc phân công ai để giám sát hoạt động thanh tra, nếu có phân công công chức giám sát cũng không khách quan và không thực chất nên cần cân nhắc lại quy định trên theo hướng mở, “đối với thanh tra sở, thanh tra cấp huyện tùy tình hình thực tế để tổ chức giám sát hoạt động thanh tra”. Thứ ba, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra thuộc đối tượng giám sát của Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành là công việc đặc thù, quy trình giám sát chặt chẽ, đối tượng thanh tra rộng, kết luận thanh tra liên quan đến việc xử lý về kinh tế và việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Thực tế hiện nay, các cơ quan Quốc hội và HĐND các cấp mới chỉ giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, việc chấp hành quy định pháp luật về quy trình thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra do chưa có quy định cụ thể trong Luật Thanh tra nên thời gian qua chưa được giám sát, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề. Thực tế nhiều trường hợp, địa phương trong quá trình các Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, có nhiều ý kiến của cử tri và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị HĐND tăng cường tổ chức giám sát hoạt động này, nhằm đảm bảo minh bạch, tránh việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Để có cơ sở pháp luật chặt chẽ cho hoạt động giám sát của cơ quan Quốc hội và HĐND, đại biểu đề nghị bổ sung “quy định trách nhiệm giám sát của Quốc hội và HĐND đối với hoạt động thanh tra”, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung được giám sát tương tự như quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Thứ tư, Luật Thanh tra quy định và trao quyền cho cơ quan thanh tra và các đoàn thanh tra, cũng như quy định trình tự, nghiệp vụ thanh tra rất chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thu thập, xác minh thông tin tài liệu, giám sát hoạt động thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra. Tuy nhiên, trong thời gian qua rất nhiều cá nhân, địa phương, cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có sai phạm về kinh tế bị khởi tố hình sự với những sai phạm trong thời gian dài không bị phát hiện, trong khi hầu hết các tổ chức, cá nhân này đã được thanh tra, nhưng kiến nghị khởi tố hằng năm còn ít. Điều 51 dự thảo luật có quy định xử lý vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra nhưng còn rất chung chung, chủ yếu quy định nguyên tắc, trên thực tế khó áp dụng. Do đó, cần quy định cụ thể hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm; bổ sung quy định điều kiện, mức độ vi phạm qua thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý đảm bảo chặt chẽ, khả thi. - Thứ năm, Điều 43 quy định về “Áp dụng pháp luật về hoạt động thanh tra”. Nội dung điều luật quy định việc áp dụng pháp luật thanh tra; giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra và quy định trong trường hợp cần thiết giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thành tra nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra. Đối chiếu với các điều luật khác của luật này và quy định pháp luật có liên quan. Đại biểu đề nghị bỏ điều này. Vì nội dung này đã được quy định tại Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”; việc giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thanh tra đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác có tổ chức thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành sẽ không đảm bảo sự thống nhất về quy trình thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, nảy sinh thêm nhiều thủ tục, khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Do đó đề nghị quy định thống nhất giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn quy trình. Sáng mai (14/6/2022) Quốc hội tiếp tục chương trình với các nội dung như: thông qua Luật Cảnh sát cơ động và Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./. Duy Khoan Tin liên quan Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (12/05/2023 3:23:00 CH) Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Công ty Điện lực Lai Châu(11/05/2023 10:42:33 SA) Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri với công nhân, viên chức lao động(11/05/2023 11:15:33 SA) Tin mới nhất Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) Tổng hợp đơn, thư tháng 4(24/05/2023 9:02:06 SA) Kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026(24/05/2023 8:05:43 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |