Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về thực trạng chất lượng giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021; giải pháp 2022 - 2025.
Sáng nay, tại phòng họp số 10, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình tháng 8 năm 2022 đối với Sở Lao động Thương binh và Xã hội về thực trạng chất lượng giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021; giải pháp 2022 - 2025.
Tham dự phiên giải trình có các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan. Các đồng chí Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Sỹ Cảnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Đào Xuân Huyên - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Tại phiên giải trình, đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chất lượng giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Theo báo cáo của Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội: Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cơ bản người lao động trên địa bàn tỉnh sau học nghề đã nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề và chủ động tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập; một số hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện sản xuất theo quy trình, có tính sáng tạo; một số học viên đã mở dịch vụ nhỏ lẻ tại các bản để phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương như: xưởng gò hàn, hiệu sửa chữa máy nông cụ, xe máy, tổ hợp tác thêu, dệt thổ cẩm, …góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề đặc biệt là ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ở khu vực chính thức chưa cao, ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo ở một số địa phương chưa thực sự phù hợp. Nguyên nhân của những hạn chế trên được xác định là do: Các chương trình, giáo trình đào tạo chậm đổi mới; trình độ của người lao động thấp; cơ sở đào tạo nghề thiếu cả về trang thiết bị và đội ngũ nhà giáo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất, nên cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động, ảnh hưởng đến việc chuyển đổi ngành nghề đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động. Chính quyền cơ sở một số địa phương chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, công tác rà soát cũng như nắm bắt tình hình và điều chỉnh kế hoạch đào tạo. (Đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo, giải trình các nội dung tại phiên họp) Giải trình câu hỏi của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân tỷ lệ tái nghèo cao; chênh lệch lớn về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương trong tỉnh và giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, được các tổ chức xã hội và nhân dân nhiệt tình, tham gia tích cực. Giai đoạn 2016-2021, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tuy nhiên vẫn còn những hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Số hộ trong giai đoạn 2016-2020 là 1.029 hộ, trung bình mỗi năm tỷ lệ tái nghèo chiếm 0,82%. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo giữa các các huyện và giữa các xã trên địa bàn. Đến cuối năm 2021, một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao: Tá Bạ 49,12%; xã Pa Vệ Sủ 50,48%; xã Pa Ủ 52,4%; xã Bum Tở 57,61% của huyện Mường Tè. Nguyên nhân đó là những xã trên tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, ít người của tỉnh, nhận thức, tập tục lạc hậu và lao động sản xuất thấp. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ít người nhằm nâng cao trình độ nhận thức để tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo. (Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại phiên giải trình) Xoay quanh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và công tác giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng: Việc khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo của người lao động để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề được thực hiện, song còn mang tính hình thức, cơ bản chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau đào tạo của người lao động, việc đào tạo nghề có lúc, có nơi còn chạy theo số lượng kế hoạch, có lớp đào tạo nghề không tổ chức lấy ý kiến người lao động, đôi khi còn rập khuôn, máy móc, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Một số trang thiết bị, cơ sở vật chất đầu tư cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện chưa được quan tâm khai thác, sử dụng hiệu quả gây lãng phí nguồn lực của nhà nước...Giáo trình giảng dạy, đặc biệt là giáo trình của các giáo viên thỉnh giảng chưa được quan tâm thẩm định chất lượng, quản lý chặt chẽ, nhiều giáo viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn và tay nghề chưa thực sự đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác đào tạo nghề về cơ bản chưa được quan tâm thực hiện. Việc cập nhật thông tin theo dõi việc làm sau đào tạo của người lao động chưa được các đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 30/TTLT và hướng dẫn số 975/HD của Sở Lao động Thương binh và Xã hội dẫn đến việc thống kê, nắm bắt thông tin người lao động sau học nghề làm việc gì, làm ở đâu, số lao động chuyển đổi nghề sau đào tạo, số lao động vẫn làm nghề cũ, số lao động tự tạo việc làm mới… chưa đảm bảo. Về công tác giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Minh Hiệp đồng tình với nội dung giải trình của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ về trách nhiệm của Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực, các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đại biểu Đào Xuân Huyên - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá: Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có tổng 283.522 người trong độ tuổi lao động (chiếm 61,2% dân số); trong đó 26.797 lao động được đào tạo nghề, chủ yếu là lao động nông thôn được đào tạo theo Đề án 1956: 25.285 lao động, với tổng số 893 lớp đào tạo. Đây là kết quả rất khả quan, Sau đào tạo nghề, rất nhiều người lao động đã tìm được việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu thập. Về lĩnh vực đào tạo nghề, đại biểu đề nghị cần đào tạo sát với nhu cầu thực tế của từng địa phương, quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, ĐBKK. Đại biểu Nguyễn Xuân Thức - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh quan tâm đến vấn đề kết dư, hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: 24.529 triệu đồng. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan, giải pháp trong thời gian tới. Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu; giải trình cụ thể các nội dung đại biểu quan tâm, có ý kiến. Theo giải trình của Giám đốc Sở, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh khá lớn, tại Hội chợ việc làm tỉnh Lai Châu năm 2022, các Trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, các công ty xuất khẩu lao động cần tuyển gần 19.000 vị trí việc làm. Đối với thị trường lao động trong tỉnh, các doanh nghiệp, công ty thuỷ điện cần tuyển dụng gần 1.000 lao động với các ngành nghề vận hành thuỷ điện, may, chế biến lâm sản, khoáng sản... Đối với thị trường lao động ngoài tỉnh, các doanh nghiệp cần tuyển dụng 10.000 lao động các nghề vải sợi, lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên quản lý, lễ tân, nhân viên kỹ thuật… Còn thị trường xuất khẩu lao động và du học cần tuyển dụng 5.000 lao động tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Số lao động ra khỏi địa bàn tỉnh để tìm việc làm trong 6 tháng đầu năm dự ước khoảng gần 20.000 người, trong đó số lao động làm việc tại các khu công nghiệp chiếm ¼. Về hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: 24.529 triệu đồng, theo Giám đốc sở, số kinh phí này thuộc về trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã theo phân cấp. Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tống Thanh Hải đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội nghiêm túc tiếp thu, lên kế hoạch khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và công tác giảm nghèo mà Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã chỉ ra; trước hết phải làm tốt công tác rà soát đối tượng, xác định nhu cầu đào tạo nghề để có định hướng đào tạo phù hợp. Đối với vấn đề giảm nghèo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Muốn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần xác định rõ nguyên nhân chính gây nghèo, từ đó có giải pháp phù hợp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả từ đó nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo. Kết luận phiên giải trình, đồng chí Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh Xã hội đã nghiêm túc giải trình các nội dung theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu dự họp. Về kết quả giám nghèo giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã đạt được kết quả khá tích cực. Kết thúc giai đoạn, số hộ nghèo toàn tỉnh còn trên 16% hộ nghèo. Kết quả giảm nghèo đã tác động tích cực, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát huy sức mạnh của Nhân dân các dân tộc đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và công tác đối ngoại được tăng cường. Tuy nhiên chất lượng giảm nghèo còn thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tỷ lệ chênh lệch hộ nghèo giữa các huyện, các vùng trong tỉnh có chênh lệch rất lớn. Chất lượng, hiệu quả, tính thiết thực của chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn vừa qua còn thấp, cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đổi mới cách thức, hình thức hỗ trợ theo hướng giảm tối đa hình thức hỗ trợ trực tiếp, nhỏ lẻ, hỗ trợ đời sống sang hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cộng đồng; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực sự của người học và từng ngành nghề phù hợp với thực tiễn của từng địa bàn; nâng cao chất lượng bình xét hộ nghèo thực chất, khách quan minh bạch, tạo động lực thoát nghèo; nâng cao năng lực quản lý, điều hành giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng dư vốn, trả kinh phí do không chi được trong khi nhu cầu của tỉnh là rất lớn./. Thông tin Tin liên quan Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)(20/05/2023 4:52:57 CH) Phiên họp lần thứ hai mươi tám của Thường trực HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026(19/05/2023 9:49:19 SA) Trao tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các hộ gia đình ở khu vực biên giới(15/05/2023 2:27:18 CH) Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026(06/05/2023 3:45:43 CH) Thường trực HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026: Tổ chức phiên họp thứ hai mươi bảy(04/05/2023 3:14:56 CH) Tin mới nhất Tiếp xúc cử tri tại huyện Nậm Nhùn(30/05/2023 8:32:35 SA) Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 5 năm 2023(29/05/2023 6:12:20 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(29/05/2023 9:18:09 SA) Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |