Tổ chức và hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệp hoạt động của HĐND 14 tỉnh miền núi và trung du phía bắc lần thứ V tại tỉnh Lai Châu (26-27/9/2013)
Trong những năm qua, hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên được cử tri trong tỉnh đánh giá cao. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các Ban HĐND, Văn phòng cũng còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng chung đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của HĐND. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân về tổ chức hoạt động còn những bất cập cần được nghiên cứu, xem xét khắc phục để từng bước đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, tại Hội nghị này chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề về: “tổ chức hoạt động của các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh”. 1. Về tổ chức và hoạt động của các Ban HĐND tỉnh Căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tiễn địa phương, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa VIII đã bầu 04 Ban gồm: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Pháp chế, Dân tộc với cơ cấu mỗi Ban gồm 5 thành viên, trong đó: Trưởng ban là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoạt động kiêm nhiệm; Phó Trưởng ban chuyên trách; 03 thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Trong cơ cấu của các ban thì thành viên công tác trong cơ quan nhà nước chiếm 60%; công tác đoàn thể chiếm 15%; công tác Đảng chiếm 25%; tỷ lệ nữ chiếm 50%; 100% có trình độ đại học trở lên. Với mô hình tổ chức như vậy có ưu điểm là Trưởng các Ban HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy bao quát được tình hình kinh tế - xã hội nói chung để định hướng nội dung hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, thuận lợi khi tổ chức triển khai các hoạt động thẩm tra, giám sát của Ban ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, việc bố trí Trưởng ban kiêm nhiệm có hạn chế là do kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của Ban còn ít, thậm chí không tham gia được nội dung công tác đã có kế hoạch nên làm cho hoạt động của Ban mất tính chủ động, đồng thời chưa phát huy được trách nhiệm của Phó Trưởng ban chuyên trách trong hoạt động của Ban nên hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động thường xuyên. Thành viên của các Ban HĐND đều là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể hoặc cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, có am hiểu lĩnh vực công tác, vì thế có đóng góp nhất định trong hoạt động thẩm tra, giám sát và tiếp thu, phản ánh ý kiến cử tri thông qua hoạt động của Ban. Tuy nhiên, thành viên các Ban HĐND hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, mỗi thành viên Ban chỉ có chuyên môn về một lĩnh vực theo chuyên ngành, trong khi hoạt động của Ban đòi hỏi phải có kiến thức bao quát đối với lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao nên quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban có lúc gặp khó khăn. Kỹ năng hoạt động của một số thành viên Ban còn hạn chế, mặt khác do “kiêm nhiệm” nên thời gian tham gia hoạt động của Ban chưa nhiều, thường không đầy đủ nên có đợt khảo sát, giám sát có tình trạng chỉ có Phó ban chuyên trách và chuyên viên giúp việc thực hiện, hơn nữa một số thành viên Ban là thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh nên vẫn còn tư tưởng nể nang trong giám sát, thẩm tra đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động chung. Mỗi Ban HĐND chỉ có 01 hoặc 02 chuyên viên giúp việc trực tiếp nhưng đôi khi vẫn phải kiêm nhiệm công việc khác của Văn phòng; thời gian công tác chưa lâu nên việc tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao khả năng tham mưu giúp việc còn hạn chế. Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của các Ban HĐND ở địa phương cho thấy những bất cập, hạn chế cần khắc phục, đó là: Cần bố trí nhân sự cho các Ban HĐND đủ về cả số lượng và chất lượng. Cơ cấu thành viên Ban phải đảm bảo là những đại biểu có trình độ nghiên cứu về cơ chế, chính sách chung và kiến thức chuyên sâu về ngành, lĩnh vực của từng Ban; bố trí hợp lý đại biểu công tác ở cấp tỉnh và đại biểu công tác ở cơ sở. Hạn chế việc bố trí thành viên Ban là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vì trên thực tế họ đã phải dành nhiều thời gian để đảm đương nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời để đảm bảo hiệu quả công tác thẩm tra, giám sát. Tăng cường đại biểu chuyên trách hoạt động tại các Ban, trong đó phải bố trí Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Nếu cơ cấu Trưởng ban là Thường vụ cấp ủy kiêm nhiệm thì cần bố trí thêm một thành viên chuyên trách. Xây dựng quy hoạch đại biểu HĐND chuyên trách để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động HĐND, tránh tình trạng đến kỳ bầu cử mới lựa chọn dẫn đến tình trạng khó tìm được người có năng lực và tâm huyết đối với hoạt động dân cử. Ngoài những bất cập cần khắc phục thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, đề nghị Quốc hội, cơ quan của Quốc hội một số nội dung sau: - Nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Thường trực HĐND với các Ban của HĐND theo hướng quy định rõ vai trò của Thường trực HĐND trong việc chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các Ban HĐND. Quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của các Ban HĐND tỉnh theo hướng tăng số lượng thành viên Ban và hoạt động chuyên trách đảm bảo các Ban có đủ khả năng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật (như đã nêu ở phần trên) để địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, xác định rõ vị trí, vai trò của các Ban HĐND tỉnh trong hệ thống cơ quan nhà nước ở địa phương. - Xem xét sớm xây dựng và thông qua Luật hoạt động giám sát của HĐND; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục tiến hành giám sát, khảo sát; những cơ chế ràng buộc pháp lý hoặc chế tài cụ thể đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau giám sát… - Ban Công tác đại biểu, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho thành viên các Ban HĐND nhất là thành viên Ban hoạt động chuyên trách. 2. Về tổ chức hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thực hiện Nghị quyết 545 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND gồm 04 phòng chuyên môn gồm Phòng Công tác ĐBQH; Phòng Công tác HĐND; với 37 biên chế, trong đó có 7 biên chế là đại biểu QH, HĐND tỉnh chuyên trách. Ngoài lãnh đạo văn phòng phụ trách theo từng mảng công việc, các phòng chuyên môn được tổ chức theo đầu mối giúp việc: Phòng Thông tin - Dân nguyện; Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND; Phòng công tác ĐBQH tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH; Phòng công tác HĐND tham mưu, giúp việc cho Thường trực, các Ban. Có thể nói từ khi thành lập đến nay, công chức trong cơ quan được tuyển dụng là những người có trình độ, năng lực làm việc khá, được đào tạo về lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn và được quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm giữ các chức vụ Trưởng, Phó phòng đã đề cao trách nhiệm với công việc, tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu công tác. Một số công chức đã được lựa chọn giới thiệu ứng cử và đã trúng cử đại biểu HĐND tỉnh và được bầu vào một số vị trí trong HĐND tỉnh, đến nay đều phát huy tốt khả năng của mình. Nhìn chung, Văn phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu, giúp việc có hiệu quả hoạt động Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, mặc dù khối lượng công việc tương đối lớn với nhiều hoạt động quan trọng. Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức và hoạt động như hiện nay đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: - Do mô hình tổ chức đặc thù nên hoạt động điều hành hành chính của bộ phận giúp việc gặp khó khăn, không thống nhất, nhiều tầng nấc, một chuyên viên giúp việc có thể phải chịu sự chỉ đạo của Thường trực, Lãnh đạo các Ban, Lãnh đạo văn phòng, thậm chí cả lãnh đạo Phòng chuyên môn cho cùng một việc. Nhiều việc áp dụng chế độ làm việc trực tuyến (chuyên viên trực tiếp thực hiện theo sự chỉ đạo của Thường trực, các Ban) nên công tác điều hành chung của lãnh đạo văn phòng khó đảm bảo tính chủ động và hỗ trợ khi cần thiết. - Việc tổ chức tham mưu, giúp việc cho Thường trực và 4 Ban HĐND theo nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực khác nhau bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương nhưng chỉ do Phòng công tác HĐND với nhóm chuyên viên thực hiện, trong khi còn phải làm thêm nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ các phòng khác nên chưa đủ sức để bao quát đầy đủ, thiếu tính hệ thống, chuyên sâu (mặc dù một số công việc đã được giao cho Phòng thông tin - dân nguyện). - Biên chế được bố trí còn ít về số lượng nhất là chuyên viên, chất lượng chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của công việc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là hoạt động của Văn phòng với tính chất và đặc điểm của nó chưa thu hút được nguồn lực có chất lượng cao; chế độ, chính sách đãi ngộ còn khiêm tốn, những công chức có năng lực chưa được quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. - Việc sát nhập 02 Văn phòng nhằm mục đích giảm đầu mối cơ quan nhà nước, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhưng thực tế hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND có những đặc điểm khác nhau nên việc phối hợp trong các hoạt động khó thực hiện và hiệu quả thấp, hơn nữa do hoạt động bằng hai nguồn kinh phí với chế độ chi khác nhau dễ gây tâm lý so sánh, khó thống nhất trong chỉ đạo thực hiện nhất là những hoạt động chung của Văn phòng. Để tạo điều kiện cho Văn phòng hoạt động có hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngoài những vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương giải quyết, chúng tôi xin kiến nghị như sau: - Ủy ban Thường vụ quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 về tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ chế vận hành của Văn phòng để bộ máy cơ bản thống nhất trong toàn quốc cho phù hợp với đặc thù hoạt động của cơ quan dân cử nhằm khắc phục một số tồn tại nêu trên để xây dựng Văn phòng thành cơ quan nhà nước giúp việc chuyên nghiệp, hiệu quả các mặt hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Có thể tổ chức các Phòng (bộ phận) tham mưu, giúp việc chuyên sâu theo lĩnh vực hoạt động của các Ban và Thường trực nhưng đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo hoạt động chung của lãnh đạo Văn phòng. - Ban Công tác đại biểu tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cho công chức văn phòng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác. Tin liên quan Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH) Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH) Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH) Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH) Tin mới nhất Thảo luận Tổ về các Dự án Luật tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(07/06/2023 8:15:10 SA) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại huyện xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (06/06/2023 11:24:32 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc(06/06/2023 11:39:20 SA) Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên(04/06/2023 3:56:12 CH) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại xã Phúc Than, Mường Than, huyện Than Uyên (01/06/2023 4:47:18 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |