14736 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021
(Ngày đăng :12/05/2017 1:39:23 CH)


Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên trước kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh

Tiếp xúc cử tri là hoạt động của đại biểu dân cử gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm mục đích nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đây là hình thức chủ yếu để thực hiện việc giữ mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri, thực hiện chức năng đại diện cho cử tri và Nhân dân địa phương thực hiện quyền lực Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Thực hiện trách nhiệm người đại biểu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV đã thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp của HĐND tỉnh và tiếp xúc cử tri chuyên đề. Các cuộc tiếp xúc đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, thẳng thắn giữa cử tri và đại biểu…; thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nhiều đại biểu đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc kết hợp với khảo sát thực tế để nắm chắc tình hình cử tri phản ánh. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn những hạn chế nhất định, hình thức tiếp xúc chủ yếu là hội nghị tiếp xúc cử tri trước hoặc sau kỳ họp; các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với nhóm cử tri chưa được quan tâm thực hiện hoặc có thực hiện song chưa nhiều.

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động tiếp xúc cử tri, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 của HĐND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 và tình hình thực tế, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 527/QĐ-HĐND ngày 15/12/2016 về ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021, với các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác tiếp xúc cử tri, trong đó đại biểu cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, xác định việc tiếp xúc cử tri vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của đại biểu HĐND và của cử tri. Đổi mới nhận thức của cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, xác định việc giải quyết là trách nhiệm, yêu cầu bắt buộc, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng đối với kiến nghị của cử tri.

Thứ hai, đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri:

Thực hiện việc kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 3 cấp (tỉnh - huyện - xã); tổ chức cho đại biểu “trước kỳ họp đại biểu tiếp xúc cử tri điểm nào, sau kỳ họp tiếp xúc tại điểm đó” để thuận tiện cho việc trả lời cử tri. Thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nên tổ chức sớm hơn (chậm nhất là 40 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp và chậm nhất là 15 ngày sau ngày bế mạc kỳ họp). Thành phần tiếp xúc cử tri có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, xã để giải đáp ngay tại hội nghị về những vấn đề thuộc thẩm quyền. Tại những địa phương có nhiều vấn đề bức xúc, Tổ trưởng Tổ đại biểu phối hợp với Ủy Ban MTTQ cấp huyện có thể mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự để nắm, trả lời và làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, khu dân cư (theo cụm bản, khu dân cư), nhất là những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri quan tâm. Mở rộng các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, đại biểu HĐND tỉnh có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm; tăng cường hoạt động tự tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức: Trực tiếp, qua điện thoại, thư bưu điện, thư điện tử và tiếp nhận qua Trang thông tin điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình... để thu thập phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thứ ba, đổi mới nội dung tiếp xúc cử tri:

Đối với tiếp xúc cử tri trước kỳ họp: Đại biểu HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung để thông báo tới cử tri, trong đó nội dung để thông báo đến cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp đảm bảo ngắn gọn, phù hợp với địa bàn tiếp xúc và đối tượng cử tri; dành thời gian hợp lý cho cử tri tham gia ý kiến vào nội dung, chương trình kỳ họp và các ý kiến khác mà cử tri quan tâm.

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp: Trên cơ sở đề cương báo cáo kết quả kỳ họp do Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị, đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu các nội dung để tiếp xúc cử tri đảm bảo phù hợp với đối tượng cử tri. Ngoài ra, đại biểu HĐND tỉnh phải mang theo báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh báo cáo trả lời tại kỳ họp để trả lời cử tri; mang theo các Nghị quyết HĐND tỉnh mới được thông qua tại kỳ họp và các văn bản pháp luật liên quan khác để tuyên truyền, phổ biến, giải thích và vận động Nhân dân thực hiện.Nội dung đại biểu báo cáo với cử tri đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, đủ các nội dung cần thiết; có sự chọn lọc, là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri. Để làm được vấn đề này, khi nhận được lịch tiếp xúc cử tri, đại biểu cần tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về tình hình cử tri tại địa bàn được bố trí tiếp xúc, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri ở địa phương, dự kiến những vấn đề cử tri quan tâm phát biểu ý kiến, kiến nghị khi đại biểu đến tiếp xúc; nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan. Sau khi đã xác định được những thông tin cần thiết cho cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đề cương tiếp xúc cử tri ban hành kèm theo Kế hoạch tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND tỉnh và lịch tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu, đại biểu phải xây dựng đề cương tiếp xúc cử tri phù hợp với địa bàn và đối tượng cử tri.

Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực: Trên cơ sở nội dung, chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh nghiên cứu, xét thấy cần lấy ý kiến cử tri vào nội dung của kỳ họp thì tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực.

Tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú và gặp gỡ cử tri: Nội dung tiếp xúc cử tri là những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri và đại biểu quan tâm. Trường hợp cần tuyên truyền, phổ biến nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực, đại biểu HĐND tỉnh chủ động liên hệ trực tiếp với thủ trưởng đơn vị để tiếp xúc cử tri nơi công tác và liên hệ với Trưởng thôn, bản, tổ dân phố để tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, gặp gỡ cử tri. Nội dung tiếp xúc đảm bảo ngắn gọn, trọng tâm, là những vấn đề thuộc về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các chế độ chính sách liên quan đến cử tri.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm, kỹ năng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐNDtỉnh

Đại biểu HĐNDtỉnh cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, trong đó có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri. Nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri, thực hiện được điều đó, Thường trực HĐND tỉnh cần phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND tỉnh. Đối với các đại biểu cần tích cực tự nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, nâng cao kỹ năng tiếp xúc; chủ động, linh hoạt, có tinh thần cầu thị, lắng nghe và có trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị của cử tri đến với cơ quan chức năng, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết; đồng thời báo cáo với cử tri về kết quả giải quyết.

Thứ  năm, thực hiện tốt việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri

Sau tiếp xúc cử tri và chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp (đối với tiếp xúc cử tri trước kỳ họp) Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh phân loại, tổng hợp và chuyển kiến nghị đến Thường trực HĐND tỉnh. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được phân loại theo từng lĩnh vực, đồng thời xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để tổng hợp gửi tới Thường trực HĐND tỉnh. Chậm nhất sau 3 ngày sau ngày kết thúc hội nghị tiếp xúc cử tri hoặc sau khi tiến hành các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, cá nhân đại biểu phải có văn bản thu thập ý kiến, kiến nghị gửi Tổ trưởng tổ đại biểu. Tổ trưởng tổ đại biểu có trách nhiệm tổng hợp chuyển tới Thường trực HĐND(qua Văn phòng HĐND tỉnh) chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động tiếp xúc cử tri (đối với tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị), tiếp nhận văn bản thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri của đại biểu (đối với hình thức gặp gỡ, tiếp xúc cử tri không tổ chức hội nghị). Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được tổng hợp ý kiến cử tri của Tổ đại biểu, Văn phòng HĐND tỉnh có trách nhiệm phân loại, tham mưu với Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.

Thứ  sáu, tăng cường theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổ trưởng Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tích cực theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trường hợp kiến nghị cử tri chưa được giải quyết, đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc hoặc báo cáo với Tổ trưởng để tổng hợp gửi Thường trực HĐND tỉnh.Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp hoặc giao cho các Ban HĐND tỉnh khảo sát, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đảm bảo mọi kiến nghị của cử tri phải được giải quyết và trả lời công khai, đúng thời gian quy định. Văn phòng HĐND tỉnh có trách nhiệm giúp Thường trực HĐND theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức. Nếu quá thời hạn nhưng cơ quan, tổ chức nhận ý kiến, kiến nghị chưa có báo cáo kết quả giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng thì Văn phòng HĐND tham mưu cho Thường trực HĐND yêu cầu lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó báo cáo trực tiếp tại trụ sở làm việc của HĐND hoặc báo cáo bằng văn bản, trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND giám sát hoặc phân công các Ban HĐND tỉnh giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của cơ quan, đơn vị đó.

Thường trực HĐND tỉnh xem xét báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; phân công Ban của HĐND tỉnh thẩm tra; xây dựng báo cáo và dự thảo nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình HĐND tỉnh theo quy định. Lập sổ theo dõi thực hiện trách nhiệm giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri.

Thứ  bảy, tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tiếp xúc cử tri và việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cử tri, nhất là cử tri ở vùng sâu, vùng xa, giúp cử tri có được nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ khi tham dự tiếp xúc cử tri. Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri để cử tri nắm rõ và cũng là cơ sở để cử tri theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng, trường hợp kiến nghị chưa được giải quyết thì cử tri tiếp tục có ý kiến với cơ quan chức năng hoặc thông qua đại biểu HĐND để vấn đề cử tri quan tâm tiếp tục được giải quyết.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, tin rằng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh sẽ đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                Thủy – Thạch

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này