27136 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên
(Ngày đăng :01/10/2013 12:00:00 SA)

Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệp hoạt động của HĐND 14 tỉnh miền núi và trung du phía bắc lần thứ V tại tỉnh Lai Châu (26-27/9/2013)

Với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, một trong những chức năng quan trọng của HĐND là chức năng giám sát. Do đó việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND là một yêu cầu tất yếu khách quan.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát của Hội đồng nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua giám sát nhằm kịp thời phát hiện và khuyến khích những nhân tố tích cực, đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, khắc phục hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần thực hiện đúng đắn, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Thực hiện giám sát một cách toàn diện và nghiêm túc đó cũng là cơ sở thực tiễn để Hội đồng nhân dân đề ra được những quyết định đúng đắn về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đảm bảo cho các quyết định của Hội đồng nhân dân có tính khả thi cao và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Vì vậy yêu cầu đặt ra là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát. Hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát. Căn cứ Chương trình đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các Đoàn giám sát, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giám sát đã đề ra. Chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên rõ rệt, được các ngành, các cấp đồng tình và đánh giá cao, được cử tri ủng hộ, hoan nghênh. Để đạt được những kết quả trên, HĐND tỉnh Điện Biên tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:  

1. Trước hết là nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND:  

Trên thực tế có những nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về công tác giám sát của Hội đồng nhân dân như:

- Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân đi quá sâu, lấn sang công việc của cơ quan hành chính các cấp, do đó một số đơn vị chịu sự giám sát chưa có sự thiện chí, chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đoàn giám sát.

 - Hoặc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân còn chung chung, chiếu lệ, mang tính hình thức, hiệu quả không cao.

Để khắc phục kịp thời những nhận thức này, cần tập trung tuyên truyền, giải thích, quán triệt cho các thành viên Đoàn giám sát, các đối tượng giám sát và cơ quan hành chính các cấp thấy được bản chất hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân khác so với hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan hành chính, điều này phải được cụ thể hóa trong việc xác định mục đích, yêu cầu của mỗi đợt giám sát, nội dung và phương thức tiến hành giám sát, những kết luận và đề xuất qua các đợt giám sát. Phải làm cho đối tượng giám sát thấy được ý nghĩa tích cực mang tính xây dựng trong công tác giám sát, coi  giám sát là một việc làm cần thiết, là cơ hội để xem xét, đánh giá đúng mức, khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, từ đó hợp tác tích cực với các Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân.

- Lựa chọn Thành viên Đoàn giám sát là những người có kinh nghiệm và am hiểu nội dung giám sát. Phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động của các Thành viên Đoàn giám sát. Trong mỗi đợt giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Thành viên theo dõi, tổng hợp đề xuất ý kiến về một vấn đề thuộc nội dung giám sát.

Tựu chung lại, để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, ngoài việc cần làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích một cách sâu rộng, điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực trong giám sát, nêu lên được vấn đề trúng và đúng, khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

2. Lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hợp lý:

Việc lựa chọn đúng nội dung giám sát, đúng thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đem lại tính hiệu quả trong hoạt động giám sát. Vì hoạt động giám sát của HĐND có nội dung rất rộng, đối tượng đa dạng. Trong thời gian vừa qua Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và đại biểu HĐND quan tâm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những nhiệm vụ chính được đề ra trong các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án của Trung ương và của tỉnh, việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số để giám sát.

Để thực hiện được những yêu cầu trên, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Chương trình giám sát tại kỳ họp cuối năm, đây là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và của đại biểu HĐND tỉnh. Để xây dựng được chương trình kế hoạch giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin về những lĩnh vực, các nội dung cần giám sát thông qua các hình thức như: Đề nghị các Ban HĐND tỉnh đề xuất những vấn đề, nội dung quan trọng, bức xúc thuộc lĩnh vực của từng Ban đảm nhiệm cần tiến hành giám sát; thông qua việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, những vấn đề được cử tri nhiều địa phương quan tâm; thông qua đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh và đề xuất của Mặt trận Tổ quốc qua công tác giám sát. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh chọn lọc, và trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp. Căn cứ Chương trình giám sát, ngoài nội dung do Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp giám sát, Thường trực đã phân công các Ban HĐND giám sát những nội dung cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ để các Ban chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

3. Thực hiện đổi mới phương thức tổ chức giám sát để đạt hiệu quả cao: Phương châm chung trong việc đổi mới phương thức giám sát là phải đảm bảo tính hợp lý, cụ thể, chính xác, hiệu quả. Về vấn đề này, chúng tôi xin đề cập mấy vấn đề cơ bản sau:

- Hoạt động giám sát cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy trình chặt chẽ cả trước, trong và sau mỗi đợt giám sát. Trong công tác chuẩn bị trước khi giám sát cần nghiên cứu kỹ nội dung để từ đó xác định được mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi giám sát, đồng thời xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan, yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát gửi báo cáo, họp Đoàn giám sát để phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn giám sát. Việc xây dựng đề cương giám sát, yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo theo đề cương có vị trí quan trọng trong quá trình chuẩn bị giám sát.  Trong quá trình tiến hành giám sát phải kết hợp việc nghe báo cáo với đi kiểm tra thực tế tại cơ sở, phải giám sát trực tiếp và toàn diện, có sự so sánh đối chiếu kết quả thực hiện với các quy định hiện hành của nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để từ đó rút ra được những kết luận đúng, khách quan từ đó đề xuất kiến nghị hợp lý. Việc tổng hợp báo cáo kết quả giám sát phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, toàn diện và có sự thống nhất của thành viên đoàn giám sát với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Quy trình trên phải được thực hiện đồng bộ thì kết quả giám sát mới có chất lượng, hiệu quả như mong muốn.

- Về hình thức tổ chức giám sát: Có thể áp dụng 2 hình thức là giám sát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên. Hình thức giám sát từ trên xuống là giám sát  các cơ quan của cấp tỉnh, sau đó giám sát tại UBND huyện và giám sát trực tiếp tại địa bàn cơ sở. Hình thức giám sát này có hạn chế là chưa nắm được đầy đủ những vướng mắc, tồn tại thực hiện tại cơ sở để yêu cầu các cơ quan của tỉnh giải trình khi tiến hành giám sát tại các cơ quan tỉnh, do đó việc đánh giá toàn diện nội dung giám sát chưa sâu. Hình thức giám sát từ dưới lên là tiến hành giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó mới tiến hành giám sát tại các cơ quan của tỉnh có liên quan, do đó nhiều vấn đề thuộc nội dung giám sát được phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, để hình thức giám sát này đạt yêu cầu cao, cần tổ chức nghiên cứu báo cáo của các ngành, tiến hành thu thập thông tin có liên quan thông qua các kênh khác nhau trước khi đi giám sát thực tế tại cơ sở.

- Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để từ đó mới có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức. Khi tiến hành giám sát cần chi tiết như vậy, nhưng khi tổng hợp báo cáo cần nêu vấn đề có tính chất tổng hợp để báo cáo giám sát không lẫn với báo cáo kiểm tra và tránh tình trạng hiểu lầm là giám sát của Hội đồng nhân dân lấn sang công việc của cơ quan hành pháp.

- Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chỉ có hiệu lực, hiệu quả thực sự khi những đề xuất kiến nghị qua giám sát được các đối tượng giám sát tiếp thu, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại hạn chế, được các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan giải quyết triệt để, vì vậy, sau mỗi đợt giám sát phải đặc biệt quan tâm đến việc theo dõi tình hình xử lý của các cơ quan chuyên môn, đối với những cơ quan chậm xử lý, cần có Công văn nhắc nhở, đôn đốc kịp thời, có những kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức bộ máy Đoàn báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, chính vì vậy nhiều kiến nghị thông qua giám sát đã đước các cơ quan hữu quan tiếp thu, điều chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

 4. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường năng lực và trình độ của đại biểu HĐND, thành viên các Ban HĐND tỉnh trong công tác  giám sát:

Kỹ năng giám sát, kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của các thành viên Đoàn giám sát là một trong những yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng, hiệu quả của mỗi cuộc giám sát. Tuy nhiên hiện nay lực lượng cán bộ chuyên trách của HĐND rất mỏng, thành viên các Ban HĐND phần lớn là kiêm nhiệm và là những cán bộ quản lý của một ngành, một đơn vị, có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nhất định, trong khi đó nội dung giám sát rộng, đòi hỏi về trình độ và năng lực chuyên môn sâu. Để khắc phục tình trạng này cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của các Ban Hội đồng nhân dân có năng lực tổ chức, hiểu biết về lĩnh vực được phân công, đồng thời chú trọng bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giám sát cho các thành viên của các Ban. Cách khắc phục là trong mỗi đợt giám sát Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã yêu cầu các ngành có liên quan cử cán bộ lãnh đạo hoặc những cán bộ quản lý có trình độ năng lực, kinh nghiệm, am hiểu sâu về nội dung giám sát để tham gia Đoàn giám sát. Cách làm này giúp cho hoạt động giám sát của HĐND được sâu sắc hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn.

5. Tăng cường sự phối hợp với Uỷ ban MTTQ các cấp và HĐND cấp huyện, cấp xã trong quá trình giám sát.

Sự phối hợp trong giám sát của Hội đồng nhân dân với Uỷ ban MTTQ cùng cấp và Thường trực HĐND các huyện, thị xã, các xã, phường là rất quan trọng nhằm nắm thông tin đa chiều hơn, đồng thời tranh thủ ý kiến của các cơ quan này, tạo được tiếng nói chung và sự đồng thuận đối với việc kiến nghị, đề xuất qua giám sát. Chính vì vậy, trong mỗi đợt giám sát đều mời đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố và đại biểu HĐND tỉnh tham gia khi đoàn giám sát của HĐND đến giám sát tại địa phương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên kiến nghị:

1. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND và các văn bản hướng dẫn thi hành, làm cơ sở pháp lý cho HĐND các cấp thực thi nhiệm vụ để từ đó các kiến nghị, đề xuất qua giám sát mới được thực hiện triệt để và phù hợp với thực tế của địa phương.
2. Tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là tăng cường số lượng và chất lượng đại biểu chuyên trách của các Ban HĐND, thay đổi cách thức lựa chọn và bầu cử đại biểu HĐND để đại biểu HĐND có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu HĐND trong quá trình thực thi quyền lực mà pháp luật qui định.
3. Đề nghị Ban công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử về các lĩnh vực khác nhau nhằm giúp nâng cao nhận thức, năng lực giám sát cho đại biểu HĐND.

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023 tại huyện Nậm Nhùn(31/05/2023 11:34:41 SA)

Đồng chí Chu Lê Chinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh tại huyện Nậm Nhùn(31/05/2023 11:30:22 SA)

Tiếp xúc cử tri tại huyện Nậm Nhùn(30/05/2023 8:32:35 SA)

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 5 năm 2023(29/05/2023 6:12:20 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này