Một số kinh nghiệm trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệp hoạt động của HĐND 14 tỉnh miền núi và trung du phía bắc lần thứ V tại tỉnh Lai Châu (26-27/9/2013)
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: quy định tại khoản 7 Điều 53 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Điều 56 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005. Song trên thực tế chưa tổ chức thực hiện được. Mặt khác, những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu nêu trên đều chưa qui định rõ ràng, cụ thể về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và trình tự, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm; không quy định về hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm ... Ngày 22/4/2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 trong phạm vi cả nước, tại phiên họp thứ 14, ngày 16/01/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 561/2013/UBTVQH hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 35 thể hiện sự quyết tâm của Đảng của cả hệ thống chính trị và cũng là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các quy định hiện hành của Hiến pháp, pháp luật; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; trên cơ sở đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nhân dân cả nước; đáp ứng nhu cầu quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường tính khả thi đối với những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thời gian tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu được tiến hành ngay từ kỳ họp thường kỳ đầu tiên năm 2013. Đối với tỉnh Hà Giang, xác định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND các cấp trong năm 2013, vì vậy Thường trực HĐND tỉnh đã sớm triển khai đồng bộ và hướng dẫn việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu: Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ chương, kế hoạch tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh việc tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (Kế hoạch số 61/KH-HĐND ngày 21/5/2013 về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu nhiệm kỳ 2011 – 2016; Công văn số 430/HĐND-VP ngày 31/5/2013 về mẫu các văn bản liên quan đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu (bao gồm các mẫu văn bản như: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm; Biên bản kiểm phiếu xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm; phiếu tín nhiệm; Thể lệ lấy phiếu tín nhiệm; Tờ trình về việc lấy phiếu tín nhiệm và hướng dẫn các bước tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp); Công văn số 442/HĐND-VP ngày 31/6/2013 về việc hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với với người giữ chức vụ do HĐND bầu). Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu với thành phần tham dự hội nghị gồm có các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; Lãnh đạo Thường trực UBMTQT Việt Nam tỉnh Hà Giang, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo; Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI; Các thành viên UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBMTTQ các huyện, thành phố; Lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Thường trực HĐND, UBMTTQ các xã, phường của thành phố Hà Giang thực hiện quán triệt, phổ biến các văn bản: Nghị quyết số 35/2012/QH13; Nghị quyết 561/2013/UBTVQH; văn bản chỉ đạo của cấp ủy; Kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh trao đổi, thống nhất những nội dung còn chưa rõ để thống nhất trong tổ chức thực hiện. Sau Hội nghị ở cấp tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố sau khi tiếp thu ở tỉnh về tổ chức Hội nghị của các huyện, thành phố để triển khai tới các xã, phường, thị trấn. Cách làm tỉnh chọn 01 điểm là thành phố Hà Giang; các huyện, thành phố chọn 01 xã của huyện, thành phố để làm điểm chỉ đạo rút kinh nghiệm rồi mới cho tổ chức tại các điểm còn lại. Về thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm: trước thời điểm khai mạc kỳ họp 30 ngày, Thường trực HĐND các cấp đã có văn bản yêu cầu những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung liên quan đến cá nhân từ đầu nhiệm kỳ đến nay. 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND đã gửi báo cáo của những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm đến các đại biểu HĐND; trước phiên lấy phiếu tín nhiệm các Tổ HĐND đã họp tổ và có nhận xét đối với những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm gửi về Thường trực HĐND để tổng hợp. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã tiến hành bỏ phiếu kín một đợt (với các màu của phiếu khác nhau để thuận tiện cho quá trình kiểm phiếu), theo 3 mức đánh giá: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp đối với người giữ do HĐND bầu. Kết quả là đối với cấp tỉnh: đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 người; cấp huyện số người được lấy phiếu tín nhiệm là 124 người; đối với HĐND cấp huyện, cấp tỉnh không có người nào có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp; Cấp xã số người được lấy phiếu tín nhiệm là 1021 người, có 6 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Kết quả này cơ bản phản ánh đúng thực trạng năng lực, kết quả của sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người được lấy phiếu tín nhiệm. * MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG VIỆC TỔ CHỨC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO HĐND BẦU Thứ nhất là, phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết 35 của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để người giữ chức vụ do HĐND bầu nhận thức đúng về việc lấy phiếu tín nhiệm, xem đó là việc làm thường xuyên, cần thiết, cả trong trường hợp số phiếu tín nhiệm thấp thì vẫn cảm thấy thoải mái để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình và để các đại biểu HĐND, nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình khi thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được HĐND bầu một cách thật dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm và chính xác để không lạm dụng mục đích cá nhân vào việc đánh giá cán bộ. Thứ hai là, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu phải được thực hiện đúng quy trình và nghiêm túc, tránh hình thức, qua loa, đại khái. Vì vậy, trước hết bản thân mỗi cá nhân được lấy phiếu cần phải có ý thức chuẩn bị báo cáo đầy đủ, trung thực về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình, đánh giá khách quan ưu, khuyết điểm của bản thân, làm cơ sở để đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm phải kịp thời, đầy đủ; việc trả lời những vấn đề đại biểu HĐND yêu cầu phải đúng trọng tâm và chính xác. Thứ ba là, phải cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực các thông tin về những người sẽ được HĐND lấy phiếu tín nhiệm tới các vị đại biểu HĐND. Bên cạnh đó các đại biểu HĐND cần phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật đầy đủ thông tin qua nhiều kênh về người được lấy phiếu tín nhiệm để lá phiếu của mình bảo đảm chính xác, thực chất. Thứ tư là, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm tại kỳ họp HĐND rất cần có sự lãnh đạo tập trung, xuyên suốt của cấp ủy Đảng; sự thống nhất trong tổ chức thực hiện của HĐND, UBND. Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể phải nêu cao vai trò giám sát, phản biện xã hội để cung cấp thông tin nhiều hơn về quá trình công tác, đạo lức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. * KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu lần này, Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang có một số đề xuất, kiến nghị như sau: 1. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm: Xem xét mở rộng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó trưởng Ban của các Ban HĐND (vì thực tế hiện nay rất nhiều nơi Trưởng ban HĐND là kiêm nhiệm còn Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách). 2. Về phiếu tín nhiệm: Chỉ nên dùng một loại phiếu cho tất cả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm thay vì 05 loại phiếu đối với cấp tỉnh, huyện và 4 loại phiếu đối với cấp xã như hiện nay để thuận tiện cho công tác kiểm phiếu. 3. Về Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm: Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy, do chưa thống nhất về bố cục, cách thức trình bày đối với báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm nên mỗi người làm báo cáo theo cách hiểu của mình. Có báo cáo viết theo chức năng nhiệm vụ, có báo cáo viết theo quá trình công tác, một số báo cáo có đề xuất phương hướng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhưng có báo cáo không nêu…Vì vậy, cần có đề cương để xây dựng Báo cáo cụ thể hơn. Ngoài ra, hiện nay theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm không cần có xác nhận. Tuy nhiên, để nội dung trong Báo cáo có tính giá trị pháp lý cao đề nghị xem xét quy định đối với Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần có nhận xét của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được lấy phiếu tín nhiệm công tác và nhận xét nơi cư trú. 4. Về cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND: Nên quy định nhiều kênh thông tin khác nhau cung cấp cho đại biểu (ngoài Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri) như: Báo cáo kết quả công tác của lĩnh vực, của ngành, đơn vị người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách, kết quả giám sát của đại biểu, của HĐND...để đại biểu có đủ thông tin, điều kiện có được quyết định đúng đắn với lá phiếu của mình, để lá phiếu đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri. 5. Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm phiếu bầu tính trên tổng số đại biểu HĐND có mặt tại phiên họp và thực hiện ghi phiếu, như vậy mới đánh giá đúng mức độ tín nhiệm, vì những đại biểu vắng mặt thì không thể hiện quan điểm trên lá phiếu được mà vẫn tính vào tỷ lệ phần trăm phiếu bầu là không hợp lý. Tin liên quan Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH) Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH) Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH) Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH) Tin mới nhất Thảo luận Tổ về các Dự án Luật tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(07/06/2023 8:15:10 SA) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại huyện xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (06/06/2023 11:24:32 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc(06/06/2023 11:39:20 SA) Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên(04/06/2023 3:56:12 CH) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại xã Phúc Than, Mường Than, huyện Than Uyên (01/06/2023 4:47:18 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |