14605 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Một số kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Bắc Giang
(Ngày đăng :01/10/2013 12:00:00 SA)

Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệp hoạt động của HĐND 14 tỉnh miền núi và trung du phía bắc lần thứ V tại tỉnh Lai Châu (26-27/9/2013)

 “Giám sát” là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND, là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND được thực hiện đúng đắn, thống nhất và hiệu quả; kịp thời biểu dương, khích lệ những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót, qua đó có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, hoạt động giám sát của HĐND được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, bao gồm: giám sát của HĐND tại kỳ họp; giám sát của Thường trực HĐND; giám sát của các Ban của HĐND và giám sát của đại biểu HĐND.
Hoạt động giám sát của mỗi chủ thể nêu trên đều có nội dung rất phong phú và được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, tôi chỉ đề cập đến một số hình thức giám sát tiêu biểu mà Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện trong thời gian gần đây và đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
- Giám sát qua xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh;
- Giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh;
- Giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua khảo sát thực tế, nắm bắt thông từ báo chí, dư luận, ý kiến cử tri.1. Về giám sát thông qua xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh
T
heo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, một trong các hình thức để HĐND thực hiện chức năng giám sát tại kỳ họp là: Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp.
Để hình thức giám sát này phát huy hiệu quả, cần làm tốt một số việc sau:
Thứ nhất, cần chuẩn bị tốt nội dung chất vấn.
Theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND, chất vấn là quyền của cá nhân đại biểu HĐND. Câu hỏi chất vấn được đại biểu gửi đến Thường trực HĐND để chuyển cho người bị chất vấn, yêu cầu trả lời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu hoàn toàn dựa vào sự chủ động của đại biểu thì có rất ít ý kiến chất vấn và ý kiến chất vấn thường không sâu, hay sa vào các nội dung cá biệt, vụn vặt.
Trong khi đó, chất vấn là hoạt động được cử tri đặc biệt quan tâm và được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, vì vậy trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đều rất chú trọng chuẩn bị nội dung chất vấn. Theo đó, các Ban của HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND tỉnh đều được đề nghị triển khai tại Ban, Tổ để các đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nội dung chất vấn, gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, kết hợp với kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, ý kiến phản ánh của cử tri, thông tin của các cơ quan báo chí… Thường trực HĐND tỉnh xây dựng thành các câu hỏi chất vấn, gửi đến người bị chất vấn yêu cầu trả lời bằng văn bản, gửi về Thường trực HĐND tỉnh để sao, gửi đến tất cả đại biểu HĐND. Trong số các nội dung chất vấn đã được gửi đến người bị chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn một số vấn đề nổi cộm, có nội dung quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, trình HĐND tỉnh chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Việc gửi trước nội dung chất vấn giúp người bị chất vấn có thời gian chuẩn bị nội dung, trả lời rõ ràng, đầy đủ; việc sớm chuyển các văn bản trả lời chất vấn đến các đại biểu HĐND giúp đại biểu có thời gian nghiên cứu, xem xét, đánh giá mức độ trung thực, đầy đủ, chính xác của nội dung trả lời, trên cơ sở đó có thể chủ động chuẩn bị câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường, yêu cầu người trả lời chất vấn làm rõ nội dung đại biểu quan tâm.
Thứ hai, cần có phương pháp điều hành chất vấn khoa học, dân chủ
Qua thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang nhận thấy để phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, hiệu quả, thì công tác điều hành có vai trò hết sức quan trọng. Chủ tọa kỳ họp phải có phương pháp điều hành khoa học và dân chủ; phải vừa đảm bảo tính nghiêm túc, vừa không tạo ra không khí quá căng thẳng trong phiên chất vấn, như vậy mới có thể khích lệ đại biểu vượt qua tâm lý e ngại, tích cực tham gia chất vấn. Trong nhiệm kỳ này, ngoài các câu hỏi chất vấn gửi trước, số ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang tăng đáng kể, trung bình có 10 ý kiến chất vấn trực tiếp trong một phiên chất vấn (thường được tổ chức từ 01 đến 1,5 buổi trong ngày làm việc)
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng trả lời chất vấn, tại những kỳ họp gần đây, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã chú trọng điều hành phiên chất vấn theo hướng yêu cầu sự tham gia trả lời của nhiều Sở, ngành có liên quan. Theo đó, sau khi người bị chất vấn trực tiếp trả lời, nếu xét thấy có vấn đề chưa rõ hoặc có chi tiết mới phát sinh do đại biểu nêu ra, liên quan đến ngành, lĩnh vực khác, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang yêu cầu đại diện Sở, ngành có liên quan tham gia trả lời tại chỗ để làm rõ vấn đề đại biểu nêu.
Với phương pháp điều hành chất vấn như vậy, cùng với việc phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, thì tất cả các Sở, ngành đều phải chủ động chuẩn bị, sẵn sàng tham gia trả lời chất vấn. Điều đó giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ hơn, triệt để hơn. Cũng qua đó, nhiều vấn đề tồn tại trong công tác phối hợp giữa các đơn vị đã được phát hiện, yếu tố trách nhiệm của các ngành được làm rõ, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Ba là: Đôn đốc thực hiện các giải pháp sau chất vấn
Nội dung của chất vấn luôn là các vấn đề còn những mặt tồn tại, hạn chế, vì vậy, đòi hỏi người trả lời chất vấn phải nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đó. Đây có thể coi là những “lời hứa” trước HĐND và trước cử tri.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các giải pháp đã nêu trong nội dung trả lời chất vấn (các “lời hứa”); kết quả thực hiện phải có báo cáo bằng văn bản, gửi đến Thường trực HĐND để báo cáo HĐND tại kỳ họp tiếp theo. Sau một số kỳ họp thực hiện kiên quyết, đến nay, việc gửi báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa” đã được các ngành chấp hành rất nghiêm túc, nề nếp. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Bắc Giang vừa qua (tháng 7/2013) 100% đơn vị có báo cáo gửi về Thường trực HĐND trước kỳ họp.
Tuy nhiên, việc kiểm chứng tính chính xác, chân thực của các nội dung báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa” còn là một vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi Thường trực HĐND tỉnh phải tăng cường kiểm tra thực tế, trong trường hợp cần thiết, tổ chức giám sát, khảo sát trực tiếp tại đơn vị.
Ngoài ra, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của chất vấn, với tinh thần đề cao dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ lựa chọn và cho đăng một số nội dung trả lời chất và nội dung báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa” trên Báo Bắc Giang, để đông đảo cử tri được biết, giám sát và phản ánh đến Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND về thực trạng tổ chức thực hiện của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
2. Về giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh
Hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND có phạm vi rất rộng, đối tượng đa dạng, trong khi lực lượng nhân sự phục vụ giám sát còn khá hạn chế. Do đó để tránh giàn trải, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng lựa chọn nội dung, phạm vi giám sát một cách phù hợp, ưu tiên những vấn đề quan trọng, nổi cộm được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, đồng thời xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của vấn đề nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả giám sát.
Trên tinh thần đó, từ năm 2011 đến nay, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành 21 cuộc giám sát chuyên đề tập trungvào các lĩnh vực nhạy cảm, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội được cử tri quan tâm như: việc chấp hành pháp luật về quyết toán dự án đã hoàn thành đối với các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác chấp hành pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản; việc thực hiện pháp luật khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 06 tuổiviệc hỗ trợ ổn định đời sống đối với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp từ 50% trở lên; việc chấp hành pháp luật và kết quả thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; việc chấp hành pháp luật trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức…
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang luôn đề cao vai trò của thông tin phục vụ giám sát, coi đây là một trong những yếu tố tạo quan trọng hàng đầu, tạo nên sự thành công của hoạt động giám sát. Do đó, trong quá trình triển khai giám sát, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang không lệ thuộc vào thông tin do đối tượng chịu giám sát cung cấp, mà luôn chú trọng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là thông tin từ cơ sở, các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan truyền thông và ý kiến cử tri. Trên cơ sở đó, phân tích, lựa chọn, đảm bảo tính đa chiều, khách quan, đầy đủ, chính xác của thông tin.
Đồng thời, khi tiến hành giám sát,  Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng kiểm tra thực tế tại cơ sở, thu thập đầy đủ các“chứng cứ” để có sự so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện với báo cáo của đơn vị được giám sát, so sánh với các quy định hiện hành của Nhà nước, nghị quyết của HĐND để rút ra được những kết luận đúng, đề xuất, kiến nghị hợp lý, khả thi.
Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2013, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách sự nghiệp giáo dục trên địa bàn, ngoài nghiên cứu báo cáo theo đề cương, Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị được giám sát cung cấp chứng từ liên quan đến thu - chi học phí, sử dụng ngân sách và hồ sơ một số dự án đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học để nghiên cứu, đối chiếu; qua xem xét cho thấy một số nội dung chi chưa đúng quy định, công trình thiết kế chưa phù hợp,  đơn giá, chủng loại một số vật tư đưa vào thi công chưa rõ ràng, một số hạng mục thi công không đúng thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán,...; Trong cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban VH-XH đã phân công một Tổ công tác kiểm tra hồ sơ lưu tại các đơn vị, qua đó phát hiện những nội dung đơn vị báo cáo chưa hết hoặc chưa chính xác....
Kết thúc cuộc giám sát, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND ban hành báo cáo kết quả giám sát để đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó kiến nghị những biện pháp khắc phục xác đáng. Đồng thời cần “đeo bám” các kiến nghị sau giám sát đ đảm bảo các kiến nghị phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, giao cho Thường trực HĐND các Ban của HĐND tỉnh theo dõi quá trình tổ chức thực hiện các kiến nghị đã nêu. Nếu phát hiện có biểu hiện chậm trễ, thiếu tích cực của các cơ quan liên quan, thì có thể tiếp tục thành lập Đoàn giám sát, để giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát.
Tại Bắc Giang, năm 2010, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2004-2011) phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức “giám sát việc chấp hành pháp luật tại các dự án có sử dụng đất; cho thuê đất, giao đất và hiệu quả sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh”; Đây là nội dung rất được đại biểu và cử tri quan tâm, đặc biệt là các vị lão thành cách mạng, những cán bộ cao cấp của tỉnh đã nghỉ hưu. Tại kỳ họp thứ 18 (ngày 10/12/2010), HĐND tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về kết quả giám sát. Nội dung này tiếp tục được Thường trực HĐND tỉnh khóa XVII quan tâm theo dõi và tại kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2011) Thường trực HĐND tỉnh đã trình HĐND tỉnh đưa nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND nêu trên vào Chương trình giám sát năm 2012.
Kết quả cho thấy: Sau khi HĐND tỉnh thông qua Chương trình giám sát năm 2012, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 37/NQ-HĐND đã được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Đến thời điểm Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban KT&NS tổ chức giám sát, thì cơ bản các nội dung kiến nghị đã được thực hiện đầy đủ.
3. Giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua khảo sát thực tế, nắm bắt thông từ báo chí, dư luận, ý kiến cử tri
Điều 66, Luật tổ chức HĐND và UBND quy định: “Thường trực HĐND có quyền giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của HĐND cùng cấp”.
Đây thực sự là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nếu không có quyết tâm cao và phương pháp khoa học thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ thực tiễn công tác, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang nhận thấy, để việc giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ quan nhà nước đạt hiệu quả cao, đòi hỏi Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh và cơ quan tham mưu phải chủ động nắm bắt thông tin thực tế. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc tiếp nhận thông tin qua khảo sát thực tế tại cơ sở, phản ánh từ cơ quan báo chí và ý kiến của cử tri. Việc tiếp nhận kịp thời và sử dụng tốt các nguồn thông tin này sẽ giúp Thường trực HĐND không lệ thuộc vào báo cáo định kỳ của các cơ quan đơn vị, luôn sâu sát với thực tế địa phương, kịp thời có ý kiến đóng góp cho cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Mặt khác, việc sâu sát với thực tế, gần gũi nhân dân, trân trọng và xử lý kịp thời ý kiến cử tri sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước nói chung, HĐND nói riêng.
Trong thực tế, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã không ít lần sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin do cử tri cung cấp, để có ý kiến xác đáng, kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, góp phần giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng tại địa phương.
Ví dụ: Năm 2011 căn cứ ý kiến kiến nghị của cử tri phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang phản ánh tình trạng chậm tiến độ và xuống cấp hệ thống đường, điện của dự án cải tạo đê sông Thương, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng tiến hành xác minh, thu thập thông tin. Sau đó, tổ chức Hội nghị tại cơ sở, mời chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà thầu, các ngành liên quan và cử tri phường Lê Lợi trao đổi, làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục. Sau hội nghị, tiến độ dự án được đẩy mạnh, các hạng mục xuống cấp được nhà thầu khắc phục, cử tri đồng tình, phần khởi...

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này