11628 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Một số giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực hoạt động của đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số
(Ngày đăng :05/07/2019 3:36:08 CH)


Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XIV

Trong tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, đại biểu HĐND được xác định “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương” (Điều 115 Hiến pháp năm 2013 và Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Được cử tri tín nhiệm và bầu ra là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho mỗi đại biểu HĐND. 

 

Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định rõ các tiêu chuẩn của người đại biểu HĐND. Đối chiếu vào quy định này, đại đa số đại biểu HĐND các cấp hiện nay đều đảm bảo các tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Riêng tiêu chí về trình độ chuyên môn, năng lực công tác của một bộ phận đại biểu còn hạn chế do quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử, bầu cử nhiều nơi còn nặng về cơ cấu, tính đại diện. Thực tiễn cho thấy: Hoàn cảnh khác nhau, năng lực, trình độ khác nhau thì mức độ cống hiến, kết quả hoạt động của mỗi đại biểu cũng có sự khác nhau. Để khắc phục hạn chế trên, giúp đại biểu có thể phát huy năng lực hoạt động, thực hiện nhiệm vụ được giao thì việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần hết sức quan tâm đến công tác định hướng, tạo nguồn đại biểu cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, trên 87% dân số là người dân tộc thiểu số, Đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số ở tỉnh ta chiếm một số lượng rất lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương. Đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số có những ưu thế và khó khăn trong hoạt động khác biệt với đại biểu là người dân tộc kinh. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động cho các đại biểu này bên cạnh những giải pháp chung dành cho tất cả các đại biểu thì cũng cần có những giải pháp mang tính riêng biệt.

(Quang cảnh Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND tỉnh năm 2019)

Đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số trong quá trình hoạt động có những thuận lợi là: Biết ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào và thường là người sinh sống ở cơ sở nên nên dễ gần gũi, hoà đồng, hiểu và nắm bắt tâm tư của nhân dân thuận lợi hơn đại biểu là người dân tộc kinh. Khi hoạt động tại những địa bàn khác dân tộc, thì do có sự đồng cảm tự nhiên, đại biểu là người dân tộc thiểu số vẫn dễ tiếp cận và hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy vậy, thực tế hoạt động HĐND thời gian qua cho thấy, bên cạnh các đại biểu người dân tộc thiểu số hoạt động sôi nổi và hiệu quả, vẫn còn một bộ phận đại biểu hoạt động chưa rõ nét, thực hiện nhiệm vụ người đại biểu còn biểu hiện thụ động, thiếu nhiệt tình; ít tham gia phát biểu ý kiến và chất vấn tại kỳ họp.

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều những nguyên nhân khác nhau như: Trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động và cũng từ những khó khăn rất riêng của đại biểu là người dân tộc thiểu số, đó là:

Thứ nhất: Do cơ cấu đại diện nên số đại biểu HĐND ở cơ sở (cấp xã) ở tỉnh ta chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực hoạt động còn khá lớn: ít đại biểu người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn cao, nhất là trong các lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngân hàng và lĩnh vực khoa học. Không ít đại biểu còn khó khăn trong cách diễn đạt bằng tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, một số đại biểu chưa tự giác học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động.

Thứ hai: Tư tưởng tự ti dân tộc, mặc cảm, bảo thủ trong hoạt động của một số đại biểu là người dân tộc thiểu số còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn đại biểu là người dân tộc thiểu số đều cư trú ở vùng sâu, vùng xa, ít hoặc không có điều kiện để tiếp cận, cập nhật thông tin về pháp luật, về chính sách mới; thiếu thông tin hoặc nắm thông tin không đầy đủ nên chưa mạnh dạn phát biểu, đưa ra chính kiến của mình. Ảnh hưởng tác động từ phong tục tập quán, ràng buộc gia đình, hạn chế về thời gian hoạt động nên hiệu quả hoạt động dân cử cũng còn hạn chế.

Thứ ba: Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động, cung cấp thông tin cho các đại biểu trong những năm qua cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Hầu hết các đại biểu HĐND cấp xã chỉ được tổ chức một lần bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động vào đầu nhiệm kỳ.

Thứ tư: Việc chấp hành sinh hoạt ở tổ đại biểu còn chưa nghiêm túc, ít sinh hoạt, tập trung theo định kỳ, nội dung sinh hoạt tổ còn nghèo nàn; việc bình xét thi đua, xếp loại còn cả nể, hình thức.

Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực hoạt động của đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số nói riêng và đại biểu HĐND các cấp nói chung, thiết nghĩ, cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Công tác định hướng, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho HĐND các nhiệm kỳ sau cần được đặc biệt quan tâm. Cần có cơ cấu, số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số ở các cấp một cách hợp lý. Ở cấp tỉnh nên cơ cấu đại biểu là người dân tộc có trình độ, có khả năng diễn thuyết, nhiệt tình, có bản lĩnh, có kinh nghiệm hoạt động HĐND. 

2. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, tạo điều kiện giúp đại biểu vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cần hết sức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình cơ sở theo hướng gần đối tượng, sát nhu cầu của các đại biểu HĐND cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Đặc biệt cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động để đại biểu chủ động trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND theo quy định. 

3. Từng bước nghiên cứu, xem xét, sủa đổi, bổ sung quy định và ban hành một số chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, để động viên, kích lệ đại biểu hoạt động tích cực hơn; tiếp tục đổi mới công tác bình xét thi đua, khen thưởng. Đổi mới các hình thức tiếp xúc cử tri để đại biểu có cơ hội khẳng định mình cũng như lắng nghe được nhiều hơn, sâu hơn, chính xác hơn ý kiến của cử tri.

4. Đại biểu HĐND nói chung và đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số nói riêng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, từ đó khắc phục khó khăn, sửa đổi tính tự ti, bảo thủ; tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và kỹ năng hoạt động đối với đại biểu HĐND; gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Để hoạt động khoa học và có hiệu quả, các đại biểu cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, chương trình công tác cụ thể, khắc phục tình trạng chồng chéo công việc để dành thời gian thoả đáng cho hoạt động đại biểu theo quy định./.

Lò Văn Thạch

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Bế mạc Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023(23/03/2023 5:30:13 CH)

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh: sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 3 năm 2023(23/03/2023 5:19:41 CH)

Nhiều công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả(22/03/2023 3:36:39 CH)

Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023(22/03/2023 2:59:48 CH)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức trực tuyến(21/03/2023 10:54:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này