14770 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Lai Châu
(Ngày đăng :21/12/2018 12:00:00 SA)


Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại huyện Phong Thổ

Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là vấn đề mới, được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để HĐND xem xét trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đảm bảo cho các kiến nghị của cử tri được tiếp thu và giải quyết đầy đủ, đúng luật. Từ đó góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân với cấp chính quyền, hạn chế tình trạng đơn thư, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Lai Châu đã tổ chức 05 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Các cuộc giám sát đều tiến hành với quy trình chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và đã đạt được những kết quả quan trọng: Bước đầu đã đánh giá được việc tổ chức triển khai và kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; chỉ ra được một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó; đồng thời, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Thông qua giám sát, nhận thức, trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cũng như UBND các huyện, thành phố trong việc giải quyết kiến nghị cử tri được nâng lên. Mặc dù nhận được số lượng kiến nghị cử tri lớn nhưng UBND tỉnh đã rất tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành xem xét, giải quyết, với tinh thần trách nhiệm cao. Quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở, ngành và địa phương; hầu hết các kiến nghị cử tri gửi UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đều được giải quyết và có văn bản trả lời. Qua giám sát, phần lớn các kiến nghị được trả lời cụ thể, đúng nội dung cử tri kiến nghị; số kiến nghị được giải quyết dứt điểm trên 80%; kết quả giải quyết cơ bản đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

Tuy vậy, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc và những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giám sát, đó là:

* Khó khăn do thiếu văn bản hướng dẫn, thiếu chế tài xử lý đối với việc không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các kiến nghị của cử tri

- Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là nội dung mới, lần đầu được đề cập tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Tuy nhiên, sau gần 03 năm triển khai thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội đã dự thảo văn bản hướng dẫn và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhưng đến nay, văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa được ban hành nên có những nội dung chưa rõ ràng trong quá trình thực hiện Luật:

+ Về cách thức tổ chức, đối tượng, phạm vi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; khi nào thì ra nghị quyết, trường hợp nào không cần ban hành nghị quyết, các nội dung của nghị quyết?

+ Đối với các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan trung ương, HĐND tỉnh có được giám sát kết quả giải quyết hay không? Vai trò của UBND tỉnh là đầu mối giải quyết các kiến nghị của cử tri?

- Chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan, đơn vị không xử lý hoặc xử lý nhưng không kịp thời, không đầy đủ các kiến nghị của cử tri.

* Khó khăn trong việc lựa chọn nội dung giám sát

- Thường trực HĐND giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Trung bình từ 40 đến 50 kiến nghị được trả lời tại mỗi báo cáo của UBND tỉnh. Các kiến nghị này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Kinh tế, Văn hóa, Xã hội…. Do hạn chế về thời gian, nhân lực, số lượng kiến nghị được lựa chọn giám sát chỉ chiếm 1/3.

- Chất lượng trả lời kiến nghị cũng còn hạn chế: Nhiều nội dung kiến nghị được trả lời chung chung, không có thời hạn giải quyết, hướng giải quyết...gây khó khăn cho Thường trực HĐND khi lựa chọn nội dung giám sát.

Có ba nguyên nhân chính:

+ Một số cơ quan, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn có nhận thức chưa đúng, chưa xác định đúng trách nhiệm của cơ quan, đơn vị dẫn đến việc giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri hạn chế, chưa kịp thời, mang tính chiếu lệ, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với những kiến nghị phức tạp, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

+ Nhiều kiến nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chế độ công vụ… Là những kiến nghị chính đáng của cử tri nhưng trong điều kiện khó khăn của tỉnh hiện nay, để giải quyết được cần đợi nguồn kinh phí từ Trung ương nên không thể có thời gian giải quyết cụ thể.

+ Công tác tổng hợp kiến nghị của các tổ đại biểu và Văn phòng HĐND chưa tốt. Có kiến nghị được chuyển sang UBND tỉnh chưa rõ nội dung hoặc sai lệch địa danh, đối tượng.

* Cách thức tiến hành giám sát chưa thật sự khoa học, nhân lực tham gia giám sát có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu

- Công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện bị kéo dài hơn so với dự kiến; thời gian giám sát từ 01 - 02 tháng nhưng không liên mạch. Thời gian thực tế đi cơ sở chỉ khoảng 10 ngày và thường được kết hợp với đợt công tác nắm tình hình cơ sở của các Ban HĐND tỉnh.

- Thành phần đoàn giám sát gồm Thường trực HĐND tỉnh và các Phó trưởng ban HĐND tỉnh, việc mời chuyên gia tư vấn tham gia giám sát chưa thực hiện được.

- Đội ngũ chuyên viên giúp việc còn thiếu, chất lượng tham mưu còn việc còn chưa tốt.

* Công tác tham gia phối hợp, thực hiện các yêu cầu của đoàn giám sát của các cơ quan, đơn vị chịu giám sát còn hạn chế

- Một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát, chưa báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu; hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu thiếu, độ tin cậy thấp.

- Nhiều vấn đề được đại biểu đặt ra chưa được các cơ quan liên quan giải trình đầy đủ, rõ ràng, việc bổ sung báo cáo không kịp thời, nên khó khăn cho Đoàn giám sát trong việc tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện và định hướng, đề xuất giải pháp khắc phục.

Để nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Lai Châu; đảm bảo các kiến nghị chính đáng của cử tri phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thỏa đáng, đúng luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thời gian qua trên địa bàn tỉnh, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:

* Một là, tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Sớm xem xét ban hành văn bản hướng dẫn các quy định về giám sát của HĐND, trong đó xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo địa giới hành chính hay theo cấp ngành để từ đó xác định được đối tượng giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trong lĩnh vực này; quy định rõ các chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không xử lý hoặc xử lý nhưng không kịp thời, không đầy đủ các kiến nghị của cử tri, các yêu cầu của đoàn giám sát.

- Sớm ban hành Quy chế hoạt động của HĐND thay thế Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 để phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

* Hai là, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của về vị trí, vai trò của HĐND, đại biểu HĐND trong hệ thống chính trị của địa phương; nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu HĐND trong việc liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

 Đại biểu không chỉ “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, mà cần phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau: vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh.

- Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND để đại biểu vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cần hết sức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình cơ sở theo hướng gần đối tượng, sát nhu cầu của các đại biểu HĐND cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Đặc biệt cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động để đại biểu chủ động trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. 

* Ba là, phát huy vai trò của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc nâng cao chất lượng tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, đơn vị

- Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo vấn đề tổng hợp phải rõ địa chỉ, nội dung cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tránh tình trạng cùng một kiến nghị đã được trả lời, giải quyết, chính sách có liên quan đã được ban hành nhưng cử tri ở địa phương khác vẫn tiếp tục tổng hợp chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

- Thường xuyên đôn đốc UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các kiến nghị cử tri; kịp thời có ý kiến về những nội dung mà việc giải quyết, trả lời cử tri chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Đưa tình hình tiếp nhận và kết quả trả lời kiến nghị của người dân lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của HĐND tỉnh, tăng cường sự tương tác giữa cử tri và nhân dân với HĐND qua đó nâng cao chất lượng giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri.

*Bốn là, tổ chức tốt các cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

- Lựa chọn kỹ nội dung giám sát, cần tập trung lựa chọn đó là những vấn đề chưa được giải quyết, đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm và những kiến nghị mà UBND và các cơ quan liên quan đã hứa sẽ giải quyết trong thời gian nhất định để tiến hành giám sát. Để thực hiện tốt khâu này, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Văn phòng HĐND tỉnh cử công chức theo dõi, rà soát, tổng hợp các ý kiến có thể tiến hành giám sát để cung cấp cho đoàn giám sát.

- Quan tâm lựa chọn thành phần tham gia Đoàn giám sát cũng rất quan trọng vì các nội dung kiến nghị bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với tỉnh Lai Châu, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Trưởng Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các Ban: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc, mỗi Ban bố trí cử 01 đại diện lãnh đạo tham gia Đoàn giám sát. Số lượng Đoàn giám sát không nhất thiết phải nhiều người, nên bố trí 3 đến 4 người là phù hợp. Kế hoạch, đề cương giám sát cần phải chủ động xây dựng sớm gửi đến cơ quan chức năng; đề cương nêu rõ kiến nghị của cử tri và nội dung trả lời của UBND tỉnh, nhất là phần “hứa” thực hiện để cơ quan, đơn vị nắm rõ hơn để chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn giám sát.

- Tiến hành giám sát: để không kéo dài thời gian tổ chức giám sát, Đoàn giám sát nên chia thành các tổ giám sát (Mỗi tổ bố trí 01 đến 02 người), với cách thức đó Đoàn giám sát sẽ đi được nhiều địa phương, đơn vị và đến được nhiều nơi tại cơ sở để giám sát thực tế. Sau khi kết thúc, các Tổ giám sát tổng hợp, báo cáo với Trưởng đoàn giám sát để chỉ đạo tổng hợp báo cáo kết quả giám sát.

- Nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo kết quả giám sát và việc ban hành Nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Báo cáo kết quả giám sát phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng, đánh giá những mặt được, chỉ rõ mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, xác định được nguyên nhân của từng kiến nghị cử tri, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết; báo cáo kết quả giám sát được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để đại biểu xem xét có hay không ban hành Nghị quyết. Trường hợp còn nhiều kiến nghị cử tri chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng thì HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Nội dung Nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải nêu rõ các kiến nghị, đề nghị giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết. Ngoài việc giao cho Thường trực HĐND, các ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND giám sát việc thực hiện nghị quyết thì Thường trực HĐND tỉnh phân công cho 01 Ban chủ trì, phối hợp với các Ban theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện nghị quyết.

* Năm là, tăng cường các giải pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri

- Đổi mới nhận thức của cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, xem việc giải quyết kiến nghị cử tri là trách nhiệm, yêu cầu bắt buộc, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm.

- Đưa việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vào nội dung đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan.

* Sáu là, xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn: Có cơ chế để tuyển chọn các công chức có năng lực chuyên môn giỏi và phẩm chất đạo đức tốt vào làm việc trong bộ máy giúp việc. Thường xuyên có kế hoạch để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, nâng cao năng lực nội tại của bộ máy giúp việc./.

Phòng Thông tin - Dân nguyện

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này