Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp
Thực hiện cơ cấu là cần thiết để đảm bảo tính đại diện của Hội đồng nhân dân ở các cấp. Tuy nhiên, cần thực hiện cơ cấu hợp lý, không hình thức, tránh vì cơ cấu mà bỏ qua, hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn đã quy định dẫn đến chất lượng đại biểu hạn chế, không hoàn thành vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương.
a) Điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay Hiến pháp năm 2013 quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.” Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 bên cạnh việc tiếp tục khẳng định vị trí và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình” (Điều 6), đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân cụ thể: "(1.) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (2) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. (3) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.(4) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” (Điều 7). Có thể nói, những tiêu chuẩn của người đại biểu Hội đồng nhân dân là những đòi hỏi về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, sức khỏe, quan hệ gắn bó với Nhân dân và điều kiện tham gia hoạt động. Có đủ những tiêu chuẩn đó, người được bầu mới có thể là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương và tham gia các hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật. Người đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ là người gương mẫu chấp hành pháp luật mà còn phải là người có bản lĩnh để thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng là đấu tranh chống lại mọi hành vi tiêu cực. Có bản lĩnh, người đại biểu mới dám thẳng thắn chất vấn về những tồn tại, yếu kém; mới dám vạch trần những việc làm sai ở địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đại biểu phải là người gần dân, hiểu dân, gắn bó, có trách nhiệm với nhân dân thì mới làm được nhiệm vụ ''liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm''. Ngày 31/01/2016 Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo Hướng dẫn 38-HD/BTCTW, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (đối với những người đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung). Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW cũng quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ, chức vụ, độ tuổi, sức khỏe của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp. Cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, Ban Tổ chức Trung ương Đảng chắc chắn sẽ có Hướng dẫn về công tác nhân sự Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong đó, về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 bên cạnh những tiêu chuẩn chung đã được quy định cụ thể trong Luật sẽ có những điều kiện, tiêu chuẩn mới để phù hợp với tình hình mới. b) Tính đại diện của của Hội đồng nhân dân các cấp Điều 6 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định “Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.” Tính đại diện của Hội đồng nhân dân thể hiện ở các điểm sau: “là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân,” và "chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Đây là tính chất cơ bản nhất, đặc trưng nhất, quan trọng nhất, quyết định đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân. (Quang cảnh kỳ họp thứ mười bốn HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021) Về bản chất, tính đại diện của Hội đồng nhân dân thể hiện các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2), “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 113). Tuy nhiên không có nghĩa là phải có đủ mọi tầng lớp dân cư, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân thì mới đảm bảo tính đại diện. Tính đại diện của Hội đồng nhân dân là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chứ không đại diện cho một nhóm người cụ thể nào cả. c) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2016 - 2021 Đối chiếu vào quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, hiện nay đại đa số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Lai Châu đều đảm bảo các tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Riêng tiêu chí về trình độ chuyên môn, năng lực công tác của một bộ phận đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là ở Hội đồng nhân dân cấp xã còn khá hạn chế do công tác hiệp thương bầu cử ở một số nơi còn có tư tưởng "phải đủ đại diện là người của các dân tộc ở địa phương trong Hội đồng nhân dân" nên sau khi bầu, chất lượng một bộ phận đại biểu chưa đảm bảo: Một số trình độ văn hóa thấp, hoặc chưa có trình độ chuyên môn, năng lực, uy tín tham gia ý kiến vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương còn hạn chế, ít hoặc không có điều kiện để tiếp cận, cập nhật thông tin về pháp luật, về chính sách mới; có đại biểu còn chưa nhận thức đúng về trọng trách của người đại biểu, thụ động trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, có tư tưởng ngại phát biểu, ngại va chạm. Mặc dù hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân các huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động, cung cấp thông tin cho các đại biểu nhưng do chất lượng đại biểu sau khi bầu thấp, một bộ phận đại biểu lại không nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của mình, không chịu khó học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nên hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đầy đủ vai trò trách nhiệm của người đại biểu Hội đồng nhân dân. (Đại biểu HĐND tỉnh Lý Anh Hừ thảo luận tại kỳ họp thứ mười bốn HĐND tỉnh tháng 7/2020) d) Một số giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền năm 2015 đều quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương”. Cần hiểu khái niệm “đại diện” của đại biểu Hội đồng nhân dân là “đại diện cho ý chí, nguyện vọng” chứ không thuần túy là đại diện cho một nhóm người. Ví như như: Tỉnh Lai Châu hiện nay có 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, Si la, La Hủ. Tôi cho rằng Hội đồng nhân dân tỉnh không nhất thiết phải đủ đại biểu thuộc 20 dân tộc mới đảm bảo tính đại diện. Có đủ các dân tộc trong tỉnh cùng tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thì rất tốt nhưng phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của người đại biểu, nhất định không thể vì cơ cấu dân tộc mà đưa vào bầu đại biểu những người có trình độ văn hóa thấp hoặc chưa được đào tạo chuyên môn. Một đại biểu là giáo viên người dân tộc kinh nếu quan tâm đến đời sống của các dân tộc ít người trong tỉnh, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời ý kiến của người dân thuộc các dân tộc đó với Hội đồng nhân dân tỉnh thì vì lý do điều kiện, tiêu chuẩn, không đủ hết 20 dân tộc trong số đại biểu, Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn thực sự đảm bảo tính đại diện của mình. Và ngược lại, trường hợp có đại biểu là người dân tộc ít người nhưng ít phát biểu, cả nhiệm kỳ không nói được "tâm tư, nguyện vọng" của đại bộ phận người dân thuộc dân tộc mình với Hội đồng nhân dân tỉnh, với các cơ quan chức năng thì đó là "đại diện hình thức", "đại diện tượng trưng". Nói như trên, không có nghĩa việc cơ cấu thành phần dân tộc là không quan trọng, nhất là một tỉnh có trên 84% dân số là người dân tộc thiểu số như tỉnh tai. Đại biểu người dân tộc thiểu số có những ưu thế như: Biết ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào và thường là người sinh sống ở cơ sở nên nên dễ gần gũi, hoà đồng, hiểu và nắm bắt tâm tư của Nhân dân. Việc cơ cấu thành phần dân tộc trong Hội đồng nhân dân cũng sẽ đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vấn đề là cơ cấu thành phần dân dân tộc nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. "Số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương"(Khoản 2, Điều 9 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015). Thứ hai, Tiếp tục làm tốt công tác định hướng, tạo nguồn đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số cho các nhiệm kỳ tiếp theo; quan tâm đến việc tạo nguồn cán bộ, đại biểu là người dân tộc ít người. Đây là việc làm lâu dài và có ý nghĩa rất quan trọng. Ở tỉnh ta, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện, thử thách, tạo nguồn nhân sự bầu làm đại biểu cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Thứ ba, Hiện nay, việc giới thiệu người ứng cử theo cơ cấu vẫn còn tình trạng “quân xanh” “quân đỏ”. Với mỗi cơ cấu được phân bổ, các địa phương sẽ tiến hành các quy trình hiệp thương, giới thiệu nhưng thực tiễn, thường là có sự chênh lệch rõ về trình độ, uy tín, kinh nghiệm và vị thế của những người ứng cử trong cùng một cơ cấu làm cho quá trình bầu cử thiếu đi sức cạnh tranh cần thiết. Cần tăng số người ứng cử cho một đơn vị bầu cử, "mở rộng cửa", tạo điều kiện cho các công dân có điều kiện, tiêu chuẩn ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, mở rộng phạm vi lựa chọn, giúp cử tri bầu được người có “đủ đức, đủ tài” vào đại biểu Hội đồng nhân dân. Thứ tư, Cần tăng số lượng đại biểu có uy tín, có kinh nghiệm, có bản lĩnh, đại biểu ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tư nhân, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu nữ; giảm bớt số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành chính, chuyên môn của Ủy ban nhân dân. Thứ năm, Tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đại biểu Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm và kỹ năng hoạt động cho đại biểu, làm cho đại biểu thấy được trách nhiệm của mình trước Nhân dân, từ đó khắc phục khó khăn, tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và kỹ năng hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân. Thứ sáu, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu; khuyến khích đại biểu thể hiện chính kiến, nói lên tiếng nói của cử tri, liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân./. Lò Văn Thạch Tin liên quan Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH) Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH) Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH) Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH) Tin mới nhất Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại các xã Bản Lang, Mường So huyện Phong Thổ(08/06/2023 10:13:21 SA) Thảo luận Tổ về các Dự án Luật tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(07/06/2023 8:15:10 SA) Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khóa XV tại huyện xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (06/06/2023 11:24:32 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc(06/06/2023 11:39:20 SA) Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên(04/06/2023 3:56:12 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |