Kinh nghiệm tổ chức hoạt động giám sát tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Trong những năm gần đây, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu đã dần đi vào nền nếp và có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đã kịp thời phát hiện các thiếu sót, bất cập, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị khả thi.
Hoạt động giám sát tại kỳ họp được thực hiện bảo đảm đúng quy định, nhất là việc xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, báo cáo về kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương được đại biểu quan tâm thảo luận kỹ trên cơ sở ý kiến thẩm tra của các Ban và nội dung gợi ý thảo luận, bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, sát với thực tế tại địa phương. Việc giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được quan tâm chú trọng, trở thành một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp được cử tri và Nhân dân quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, đã có 24 lượt đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn 27 nội dung đối với lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan việc chậm cấp quyền sử dụng đất; chậm tiến độ thực hiện tuyến đường thị xã Lai Châu (nay là Thành phố Lai Châu) đi Thị trấn Sìn Hồ; công tác giải ngân các nguồn vốn đạt thấp, công tác thu hồi tạm ứng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm; tình trạng quyết toán các công trình đầu tư xây dựng cơ bản chậm và kéo dài; công tác lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư chậm so với quy định... Đây là những vấn đề bức xúc, được đại biểu và cử tri quan tâm. Các nội dung chất vấn đều được trả lời nghiêm túc, nhận rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp mang tính khả thi trong thời gian tiếp theo. Để hoạt động chất vấn đạt hiệu quả cao, trước ngày khai mạc kỳ họp chậm nhất là 30 ngày, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các đại biểu nghiên cứu và đăng ký nội dung chất vấn, do có thời gian chuẩn bị nên các vấn đề đưa ra chất vấn đều đảm bảo là vấn đề bức xúc, nổi cộm, được đại biểu và cử tri quan tâm. Sau chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn, trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu người được chất vấn phải thực hiện, hạn rõ thời gian yêu cầu báo cáo và báo cáo tại kỳ họp tiếp theo của HĐND tỉnh. Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động giám sát tại nhiều kỳ họp trước đây như: Chất lượng một số báo cáo thẩm tra chưa tốt, thẩm tra chưa kỹ, thiếu ý kiến đánh giá sắc sảo, thuyết phục đối với các báo cáo của UBND; việc hoàn thiện báo cáo thẩm tra còn chậm; số lượng đại biểu tham gia chất vấn ít, chất lượng giải trình của thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa cao... Nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh; sớm phân công nhiệm vụ thẩm tra cho các Ban HĐND ngay sau quyết định chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm và ngay sau họp liên tịch thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp tạo điều kiện thuận lợi cho các ban chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phục vụ cho công tác thẩm tra… Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau: Thứ nhất: Trước hết cần quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm của đại biểu trước cử tri và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu, nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn, phản biện; kỹ năng thẩm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác xây dựng dự toán, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước…cho đại biểu HĐND. Thứ hai: Thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỳ họp: Thường trực HĐND tỉnh chủ trì họp thống nhất nội dung phục vụ cho kỳ họp phải gửi đến đúng thời gian quy định để các ban HĐND tỉnh có đủ thời gian nghiên cứu kỹ trước khi thẩm tra và cũng để đại biểu có điều kiện nghiên cứu phục vụ hoạt động TXCT nâng cao chất lượng ý kiến phát biểu tại kỳ họp. Thứ ba: Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh phân công cụ thể bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực. Các Ban cần chủ động tiếp cận các báo cáo, dự thảo nghị quyết ngay từ bước đề nghị xác định và xây dựng dự thảo; có kế hoạch thu thập thông tin, tổ chức giám sát, khảo sát bằng nhiều hình thức để nắm tình hình thực tế về những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm tra. Báo cáo thẩm tra của Ban phải thể hiện trí tuệ tập thể, chính kiến rõ ràng, mang tính phản biện cao, định hướng những vấn đề trọng tâm, cung cấp thêm thông tin giúp đại biểu HĐND thảo luận, quyết định. Thứ tư: Chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức thể hiện rõ nhất tâm huyết và trình độ của người đại biểu và năng lực, trách nhiệm của người bị chất vấn. Chủ tọa kỳ họp cần điều hành phiên họp này sao cho cả người chất vấn lẫn người trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị, tránh hỏi chiếu lệ, trả lời qua loa; yêu cầu người trả lời chất vấn nói thẳng vào nội dung chính, trọng tâm, tạo không khí cởi mở, trách nhiệm giữa người hỏi và trả lời. Những đơn vị, cá nhân liên quan được mời dự họp để phát biểu khi cần thiết. Kết luận rõ từng nội dung chất vấn, giao cho từng cơ quan có thẩm quyền tiếp tục quan tâm giải quyết và khắc phục. Thứ năm, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận sau chất vấn và trả lời chất vấn rất quan trọng. Thường trực, các ban HĐND cần tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận sau chất vấn; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan nhà nước, đại diện các ngành liên quan được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp sau để đại biểu tiếp tục xem xét, đôn đốc việc thực hiện nếu chưa được giải quyết thỏa đáng./. Tây Bắc
Tin liên quan Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH) Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH) Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH) Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH) Tin mới nhất Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH) Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |