Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng thảo luận, tranh luận tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân
Thảo luận, tranh luận là những hoạt động chủ yếu của Đại biểu HĐND tại mỗi kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng tại kỳ họp khi vấn đề được làm rõ. Thảo luận, tranh luận của đại biểu cũng chính là thể hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định và thực hiện trách nhiệm đối với cử tri. Việc thực hiện có hiệu quả hoạt động thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sẽ góp phần thành công của kỳ họp, mà mục đích cao nhất là chất lượng ban hành các nghị quyết của HĐND tại kỳ họp.
Thực hiện trách nhiệm đó, trong những năm qua, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu đã thực hiện khá tốt hoạt động thảo luận, tranh luận tại các kỳ họp, trong đó số đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận, tranh luận ngày càng nhiều về số lượng và nâng cao về chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đến gần 300 lượt ý kiến đại biểu tham gia thảo luận tại 9 kỳ họp; các ý kiến tập trung về mục tiêu, chỉ tiêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương; các ý kiến tham gia vào nội dung các nghị quyết chuyên đề trình kỳ họp; các ý kiến thảo luận đều đảm bảo chất lượng, đóng góp để kỳ họp thành công. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tế thì số đại biểu tham gia thảo luận chưa nhiều, tính tranh luận tại một số phiên thảo luận chưa cao, nhất là thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng thảo luận, tranh luận, trên cơ sở nắm bắt từ bài giảng của các báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng đại biểu HĐND tỉnh năm 2019 và thực tế tham mưu các hoạt động của HĐND, tác giả xin trao đổi một số giải pháp, kinh nghiệm sau: Thứ nhất, công tác chuẩn bị nội dung thảo luận, tranh luận Tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh hay các huyện, thành phố cũng vậy, có rất nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cả về pháp luật, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phong, tổ chức bộ máy. Nhiệm vụ của mỗi đại biểu là phải dành thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận và cùng quyết định về tất cả những nội dung đó. Trên thực tế không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu sắc về tất cả các lĩnh vực, các vấn đề sẽ đưa ra kỳ họp. Do vậy việc đầu tiên là đại biểu cần lựa chọn, xác định vấn đề mình sẽ tham gia thảo luận; vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn để am hiểu sâu sắc hơn. Việc lựa chọn vấn đề cũng cần thực hiện sớm để có thời gian chuẩn bị, có thể sẽ phải thu thập thêm thông tin, thu thập các văn bản liên quan, do đó việc xác định sớm là cần thiết. Khi lựa chọn vấn đề thảo luận cần căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp và những tài liệu, văn bản đại biểu nhận được trước khi về dự họp; vấn đề lựa chọn, đó là những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, những vấn đề đang “nóng” ở địa phương, nhất là những vấn đề có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế xã hội tại địa phương hoặc những vấn đề đang có nhiều ý kiến, nhiều phương án xử lý khác nhau; những vấn đề mà đại biểu thật am hiểu; cũng có thể lựa chọn những vấn đề khó, “tế nhị”, những vấn đề mà không nhiều đại biểu quan tâm hoặc ít để ý. Sau khi lựa chọn được vấn đề, đại biểu tiến hành thu thập thông tin, tư liệu phục vụ cho nội dung sẽ phát biểu, chú ý thông tin phục vụ thảo luận phải đủ lớn, phải đủ tầm, phải nhiều hơn những gì sẽ nói để đảm bảo sự tự tin của chính đại biểu khi trình bày ý kiến tại kỳ họp. Trong bài phát biểu thảo luận nên làm rõ các vấn đề đồng tình, những vấn đề chưa nhất trí đề nghị làm rõ hoặc bổ sung chỉnh sửa, có số liệu hay nhận định, đề xuất kiến nghị cụ thể. Đồng chí Nguyễn Thị Thiện, đại biểu HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, khóa XIV Thứ hai, tiến hành thảo luận tại kỳ họp Thời gian thảo luận tại Kỳ họp (bao gồm thảo luận tại Tổ, thảo luận tại hội trường) thường chiếm trên 60%, thậm chí trên 70% tổng thời gian của kỳ họp. Cả hai hình thức thảo luận đều là cơ hội để đại biểu góp ý vào những nội dung của kỳ họp, làm sáng rõ vấn đề đặt ra, hoàn thiện thêm nội dung các báo cáo, các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Khi thảo luận, chúng ta cần chú ý một số kỹ năng như: Nói thẳng, trực tiếp vào vấn đề, không dẫn dắt quá dài dòng, không trùng lắp với ý nhiều đại biểu khác đã nói; chỉ nói những điều mình nắm chắc, không phỏng đoán hoặc “nghe nói” mơ hồ chưa chính xác; dẫn dắt để mọi người cùng đồng tình với quan điểm của mình; nên sử dụng những dẫn chứng cụ thể bằng hình ảnh, hiện vật... để làm sáng rõ, sinh động và có sức thuyết phục của bài phát biểu. Khi phát biểu chú ý giọng nói cần điềm tĩnh, khiêm tốn, không nên gay gắt, nặng nề; sử dụng từ ngữ trong sáng, giản dị, giúp diễn đạt chính xác quan điểm của mình; nét mặt, ánh mắt luôn thân thiện, dáng điệu tự nhiên, tự tin, không quá cứng nhắc. Thứ ba, kỹ năng khi phát biểu Không phải đại biểu nào cũng tự tin phát biểu trước đám đông, nhất là trước những người có chức vụ, cương vị cao, để thực hiện tốt nội dung thảo luận, đại biểu cần phải vượt qua những rào cản về tâm lý e ngại, sợ va chạm; bỏ suy nghĩ tự cho rằng ý kiến của mình chắc gì đã giải quyết được vấn đề; lo lắng sợ ý kiến của mình chưa chắc đã đúng. Luôn lắng nghe, tôn trọng kiến người khác, khi không đồng tình thì có thể đăng ký tranh luận. Tôn trọng sự thật, lấy lợi ích chung làm tiêu chuẩn, không vì động cơ cá nhân, bảo vệ lợi ích cục bộ trong khi phát phát biểu. Thứ tư, thời gian và kỹ năng tranh luận Không phải muốn phát biểu bất cứ lúc nào trong thời gian diễn ra kỳ họp nên đại biểu cần tranh luận vấn đề nào thì nêu một cách ngắn gọn và trình bày rõ quan điểm, lập luận, chứng cứ và đưa ra kết luận theo quan điểm cá nhân. Khi tranh luận, cần chú ý lắng nghe nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng nội dung, tránh lan man, tranh luận không đúng nội dung, không đúng trọng tâm, thậm chí làm rối thêm vấn đề. Chỉ tranh luận khi nắm chắc vấn đề, có chứng cứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Thường ý kiến tranh luận nảy sinh khi nghe đại biểu khác nói, do vậy khi quyết định tranh luận đại biểu cần đảm bảo mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn. Không quy chụp trách nhiệm, phân tích hậu quả và chất vấn đại biểu khác. Đây là điều cần hết sức tránh, vì thực ra đại biểu gần như không có quyền phán xét đại biểu khác. Mọi ý kiến của mỗi đại biểu trên nghị trường đều có quyền như nhau. Không vội vàng kết luận người khác sai, vì chưa chắc ý kiến của mình đã hoàn toàn chính xác. Có thể dưới mỗi góc độ khác nhau, cương vị khác nhau, thông tin khác nhau có thể có những nhận định khác nhau. Đó là điều bình thường. Việc mình đưa ra ý kiến tranh luận để giúp HĐND có cái nhìn bao quát, đầy đủ hơn về cùng một vấn đề. Việc quyết định đúng sai huộc về quyền của HĐND, người điều hành phiên thảo luận, quyết định đó thể hiện ở việc biểu quyết thông qua các nghị quyết. Nếu khuôn khổ thời gian không cho phép có thể trao đổi thêm ngoài hội trường. Với kinh nghiệm trên có thể giúp đại biểu HĐND thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình tại kỳ họp và làm tròn trách nhiệm trước cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; góp phần cùng với HĐND thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo các hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bài, ảnh: Thủy Nguyễn
Tin liên quan Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH) Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH) Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH) Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH) Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH) Tin mới nhất Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH) Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH) Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |