14780 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
(Ngày đăng :06/05/2018 2:46:50 CH)


Tổ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm việc tại thị trấn huyện Phong Thổ

Tiếp xúc cử tri (TXCT) và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử cử tri là một trong những hoạt động quan trọng của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định của pháp luật sẽ thu thu thập và giải quyết một cách kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, những bức xúc của cử tri góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

1. Về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri

Điều 94 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định cụ thể về trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân, đây là hình thức chủ yếu để thực hiện việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Thực hiện trách nhiệm người đại biểu dân cử, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND các cấp tỉnh Lai Châu đã thực hiện khá tốt công tác tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp của HĐND và tiếp xúc cử tri chuyên đề. Các cuộc tiếp xúc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, bình đẳng, công khai, thẳng thắn giữa cử tri và đại biểu; quan tiếp xúc đã thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri. Nhiều đại biểu HĐND đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở các địa bàn ứng cử; tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc kết hợp với khảo sát thực tế để nắm chắc tình hình cử tri phản ánh. Thường trực HĐND, các ban HĐND và các đại biểu HĐND theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những kết quả đó đã từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND vẫn còn những hạn chế về cả nội dung, cách thức tổ chức; hình thức tiếp xúc chủ yếu là tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND; việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với nhóm cử tri chưa được thực hiện hoặc có thực hiện song chưa nhiều, nhất là đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Một số đại biểu HĐND nghiên cứu, nắm bắt pháp luật và các quy định của địa phương chưa sâu, chưa kỹ dẫn đến hạn chế trong việc giải đáp ý kiến của cử tri, dẫn đến việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế trên, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động tiếp xúc cử tri, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án:“Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là: Đổi mới, nâng cao nhận thức về công tác tiếp xúc cử tri, yêu cầu đại biểu HĐND cần phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vị trí, vai trò của HĐND, đại biểu HĐND trong hệ thống cơ quan Nhà nước ở địa phương. Trong đó xác định việc tiếp xúc cử tri vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của đại biểu HĐND; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri vào việc đánh giá tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ hàng năm của mỗi đại biểu HĐND. Tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, xác định việc giải quyết là trách nhiệm, yêu cầu bắt buộc, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng đối với kiến nghị của cử tri.

Hai là: Quan tâm đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, Thường tực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh chủ động thống nhất xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND: Thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri đảm bảo sớm, kịp thời. Thành phần tiếp xúc cử tri cần đổi mới theo hướng mời thêm đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã để giải đáp ngay tại hội nghị về những vấn đề thuộc thẩm quyền; những nơi có nhiều vấn đề bức xúc cần mời thêm đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng dự để nắm, trả lời và làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, khu dân cư, nhất là những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, đại biểu HĐND có thể trực tiếp gặp gỡ, liên hệ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm để tổ chức hoạt động tiếp xúc, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức: Trực tiếp hoặc thông qua các kênh thông tin tiếp nhận, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ba là: Đổi mới nội dung tiếp xúc cử tri, trên cơ sở kế hoạch, đề cương, đại biểu HĐND cần nghiên cứu, chuẩn bị lựa chọn nội dung, những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri để thông báo tới cử tri đảm bảo ngắn gọn, phù hợp với địa bàn tiếp xúc và đối tượng cử tri; dành thời gian hợp lý cho cử tri tham gia ý kiến kiến nghị khác mà cử tri quan tâm. Ngoài ra, tại các hội nghị tiếp xúc, đại biểu HĐND cần mang theo báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đã được UBND trả lời tại kỳ họp, các nghị quyết HĐND mới được thông qua tại kỳ họp và các văn bản pháp luật liên quan khác để tuyên truyền, phổ biến, giải thích, vận động Nhân dân thực hiện.

Bốn là: Phối hợp tốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND 3 cấp (tỉnh - huyện - xã). Thống nhất mỗi điểm tiếp xúc cử tri bố trí 01 đến 02 đại biểu HĐND mỗi cấp, tránh bố trí nhiều đại biểu cùng tiếp xúc 01 điểm sẽ không tiếp xúc đươc nhiều nơi. Thực hiện hình thức “trước kỳ họp đại biểu tiếp xúc cử tri điểm nào, sau kỳ họp tiếp xúc tại điểm đó” để thuận tiện cho việc trả lời cử tri. Việc luân chuyển địa điểm tiếp xúc cử tri do đại biểu đề xuất với Tổ trưởng Tổ đại biểu để sắp xếp lịch tiếp xúc cử tri cho phù hợp. Việc giải đáp, tiếp thu kiến, kiến nghị của cử tri thuộc cấp nào, đại biểu HĐND cấp đó có trách nhiệm giải đáp, tiếp thu, tổng hợp để gửi đến Tổ trưởng Tổ đại biểu tổng hợp chuyển đến Thường trực HĐND cùng cấp.

Năm là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm, kỹ năng tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, trong đó có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri; nắm chắc các quy định của pháp luật và các chính sách của địa phương để kịp thời giải đáp cho cử tri. Nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND cần quan tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND.

Sáu là: Thực hiện tốt công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đây là vấn đề quan trọng cần quan tâm, để nâng cao chất lượng tổng hợp, ngay từ khâu tổng hợp của từng đại biểu đến tổng hợp của Tổ trưởng Tổ đại biểu đã phải bảo đảm chính xác, trọng tâm những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị và phải đúng thẩm quyền của từng cấp. Trong thời hạn quy định, Văn phòng có trách nhiệm phân loại, tham mưu với Thường trực HĐND ban hành văn bản yêu cầu UBND, các cơ quan chức năng xem xét chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Bảy là: Chỉ đạo tăng cường làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND, các ban HĐND, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND chủ động, tích cực theo dõi, đôc đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng. Tập trung theo dõi, giám sát đến cùng để các ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng, kiến nghị nhiều lần.

Cử tri bản Noong Thăng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh sau kỳ họp thứ năm

2. Về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là vấn đề mới, được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để HĐND xem xét trách nhiệm thực hiện việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Qua giám sát, nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, từ đó góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân với cấp chính quyền, hạn chế tình trạng đơn thư, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu đã tổ chức 04 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, các cuộc giám sát đều đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, các kiến nghị của cử tri sớm được phân loại, xem xét giải quyết, ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát và kịp thời gửi đến các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết. Có thể khẳng định,từ khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 được ban hành, trong đó có quy định cụ thể Thường trực HĐND giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, có những cách làm thiết thực, hiệu quả hơn; từ việc làm đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như các cấp chính quyền trong việc giải quyết kiến nghị cử tri. Các kiến nghị của cử tri được giải quyết nhanh, hiệu quả, bảo đảm đúng thẩm quyền, đem lại lợi ích thiết thực hơn, được cử tri ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao vai trò của cơ quan dân cử nói chung và với đại biểu HĐND nói riêng.Từ cơ sở lý luận, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của HĐND cho thấy, để hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đạt hiệu quả cao, thiết thực, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất: Lựa chọn kỹ nội dung giám sát, cần tập trung lựa chọn đó là những vấn đề chưa được giải quyết, đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm và những kiến nghị mà UBND và các cơ quan liên quan đã hứa sẽ giải quyết trong thời gian nhất định để tiến hành giám sát. Để thực hiện tốt khâu này, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Văn phòng HĐND tỉnh cử công chức theo dõi, rà soát, tổng hợp các ý kiến có thể tiến hành giám sát để cung cấp cho đoàn giám sát.

Thứ hai: Quan tâm lựa chọn thành phần tham gia Đoàn giám sát cũng rất quan trọng vì các nội dung kiến nghị bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với tỉnh Lai Châu, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Trưởng Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các Ban: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc, mỗi Ban bố trí cử 01 đại diện lãnh đạo tham gia Đoàn giám sát. Số lượng Đoàn giám sát không nhất thiết phải nhiều người, nên bố trí 3 đến 4 người là phù hợp. Kế hoạch, đề cương giám sát cần phải chủ động xây dựng sớm gửi đến cơ quan chức năng; đề cương nêu rõ kiến nghị của cử tri và nội dung trả lời của UBND tỉnh, nhất là phần “hứa” thực hiện để cơ quan, đơn vị nắm rõ hơn để chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn giám sát.

Thứ ba: Tiến hành giám sát, để không kéo dài thời gian tổ chức giám sát, Đoàn giám sát nên chia thành các tổ giám sát (Mỗi tổ bố trí 01 đến 02 người), với cách thức đó Đoàn giám sát sẽ đi được nhiều địa phương, đơn vị và đến được nhiều nơi tại cơ sở để giám sát thực tế. Sau khi kết thúc, các Tổ giám sát tổng hợp, báo cáo với Trưởng đoàn giám sát để chỉ đạo tổng hợp báo cáo kết quả giám sát.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo kết quả giám sát và việc ban hành Nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Báo cáo kết quả giám sát phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng, đánh giá những mặt được, chỉ rõ mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, xác định được nguyên nhân của từng kiến nghị cử tri, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết; báo cáo kết quả giám sát được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để đại biểu xem xét có hay không ban hành Nghị quyết. Trường hợp còn nhiều kiến nghị cử tri chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng thì HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Nội dung Nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải nêu rõ các kiến nghị, đề nghị giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết. Ngoài việc giao cho Thường trực HĐND, các ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND giám sát việc thực hiện nghị quyết thì Thường trực HĐND tỉnh phân công cho 01 Ban cụ thể chủ trì, phối hợp với các Ban theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện nghị quyết.

 Những giải pháp nêu trên đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử, nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với bộ máy chính quyền các cấp, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                Tác giả: H-T

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(25/05/2023 8:31:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này