11754 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân
(Ngày đăng :27/09/2019 9:55:30 SA)


Đại biểu Nguyễn Bảo Đông, Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ phát biểu thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh

Thảo luận, chất vấn, giải trình là những hoạt động chủ yếu của Đại biểu HĐND tại mỗi kỳ họp, phiên họp; thảo luận, chất vấn, giải trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng quyết định tại kỳ họp, phiên họp khi vấn đề được làm rõ. Thảo luận, chất vấn của đại biểu cũng chính là thể hiện đầy đủ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định và thực hiện trách nhiệm đối với cử tri. Việc thực hiện có hiệu quả hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, phiên họp sẽ góp phần thành công của kỳ họp, phiên họp với mục đích cao nhất là chất lượng ban hành các nghị quyết của HĐND và chất lượng các nội dung tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh.

Về hoạt động thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh:

Trong những năm qua, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu đã thực hiện khá tốt hoạt động thảo luận tại các kỳ họp, trong đó đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận (tranh luận) ngày càng nhiều về số lượng, nâng cao về chất lượng thảo luận. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đến trên 300 lượt ý kiến của đại biểu tham gia thảo luận tại 10 kỳ họp (bao gồm cả thảo luận tại Tổ đại biểu và thảo luận tại Hội trường); các ý kiến tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đầu tư, ngân sách tại địa phương và thảo luận nội dung các nghị quyết chuyên đề trình kỳ họp. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tế thì số đại biểu tham gia thảo luận chưa thật nhiều, tính tranh luận chưa cao, nhất là thảo luận tại Hội trường, các đại biểu phần lớn tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ít tham gia thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng thảo luận, tranh luận tại kỳ họp, xin trao đổi kinh nghiệm như sau:

Một là, chuẩn bị tốt nội dung thảo luận

Tại mỗi kỳ họp HĐND, có rất nhiều nội dung quan trọng, nhiệm vụ của mỗi đại biểu là phải dành thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận và cùng quyết định về tất cả những nội dung đó. Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu sắc về tất cả các vấn đề sẽ đưa ra kỳ họp. Do đó Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung gợi ý tập trung thảo luận gửi đến đại biểu chậm nhất là 05 ngày cùng với tài liệu để các đại biểu có thời gian nghiên cứu. Thường trực HĐND tỉnh triệu tập đại biểu về trước 01 ngày (trước ngày khai mạc kỳ họp) để các tổ đại biểu sinh hoạt và thảo luận các nội dung sẽ thảo luận trên cơ sở gợi ý thảo luận của Thường trực HĐND tỉnh; đồng thời tổ chức họp với Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu để thống nhất nội dung sẽ triển khai đến đại biểu, trong đó đề nghị Tổ trưởng Tổ đại biểu trong quá trình điều hành buổi sinh hoạt Tổ cần nhấn mạnh và thống nhất phân công tham gia thảo luận tại kỳ họp. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh còn gửi phiếu đăng ký thảo luận tại hội trường để đại biểu đăng ký và giao Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp gửi đến chủ tọa kỳ họp; Chủ tọa sẽ lựa chọn theo nhóm vấn đề để đưa ra thảo luận.

Hai là, linh hoạt trong công tác điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp

Thời gian thảo luận tại Kỳ họp (bao gồm thảo luận tại Tổ và tại hội trường) thường chiếm nhiều thời gian, từ ½ đến 2/3 thời gian kỳ họp. Cả hai hình thức thảo luận trên đều là cơ hội để đại biểu tham gia ý kiến vào nội dung của kỳ họp, làm rõ vấn đề đặt ra, hoàn thiện thêm nội dung các báo cáo, các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu, trên cơ sở quán triệt của Thường trực HĐND tỉnh, Tổ trưởng các Tổ đại biểu cần điều hành linh hoạt, gợi mở, kết luận vấn đề rõ ràng để thư ký dễ ghi chép vào biên bản. Quá trình điều hành nên điều hành theo từng nội dung của kỳ họp, dành nhiều thời gian cho đại biểu HĐND tham gia phát biểu, nếu còn thời gian mới cho phép các ngành tham dự giải trình, tránh để các ngành, địa phương báo cáo tình hình ngành, địa phương làm mất thời gian của đại biểu. Sau phiên thảo luận Tổ, thư ký các Tổ tổng hợp nhanh các ý kiến tham gia của đại biểu trình Thường trực HĐND tỉnh ký gửi đến UBND tỉnh đề nghị giải trình làm rõ tại phiên họp tiếp theo của kỳ họp.

Đối với việc điều hành phiên thảo luận tại hội trường: Ngoài nội dung đại biểu đăng ký thảo luận tại hội trường; trên cơ sở giải trình của UBND tỉnh đối với nội dung thảo luận tại Tổ, Chủ tọa kỳ họp xem xét kỹ các nội dung chưa thống nhất giữa báo cáo thẩm tra với nội dung trình của UBND tỉnh để đưa ra thảo luận tại hội trường. Khi điều hành, Chủ tọa điều hành đảm bảo khoa học, linh hoạt, kịp thời nhắc nhở các đại biểu về nội dung, thời gian trình bày; theo bám nội dung thảo luận đến khi rõ vấn đề và kết luận vấn đề; đối với đại biểu đăng ký nhưng chưa được thảo luận nên điều hành theo hướng đề nghị gửi bằng văn bản để tổng hợp và đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan tiếp thu giải trình bằng văn bản; trường hợp nội dung thảo luận liên quan đến việc thông qua Nghị quyết thì chủ tọa nêu vấn đề và yêu cầu UBND tỉnh làm rõ ngay tại kỳ họp. Nhờ vậy, các phiên thảo luận đều diễn ra sôi nổi, chất lượng, đảm bảo chương trình đề ra.

Ba là, tăng cường tập huấn kỹ năng thảo luận cho đại biểu

Để đạt kết quả cao trong phiên thảo luận, Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu, trong đó có kỹ năng thảo luận, tranh luận tại kỳ họp như: Nói thẳng, trực tiếp vào vấn đề, không dẫn dắt dài dòng, không trùng lắp với ý của đại biểu khác; chỉ phát biểu những nội dung đã nắm chắc, không phỏng đoán hoặc “nghe nói” mơ hồ; dẫn dắt để các đại biểu khác cùng đồng tình với quan điểm của đại biểu; nên sử dụng những dẫn chứng cụ thể bằng hình ảnh, hiện vật... để làm sáng rõ, sinh động và có sức thuyết phục. Khi phát biểu chú ý giọng nói cần điềm tĩnh, khiêm tốn, không nên quá gay gắt, nặng nề; sử dụng từ ngữ trong sáng, giản dị, giúp diễn đạt chính xác quan điểm của mình; nét mặt, ánh mắt thân thiện. Vì không phải đại biểu nào cũng tự tin, bản lĩnh đứng trước nghị trường lớn, nhất là trước những người có chức vụ, cương vị cao, có truyền trình trực tiếp để thực hiện tốt nội dung thảo luận.   

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp

Chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp, là quyền quan trọng của đại biểu dân cử, mà ở đó thể hiện quyền lực và trách nhiệm của đại biểu với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Hoạt động chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, của cộng đồng và xã hội. Thông qua chất vấn, trả lời chất vấn, những mong muốn, bức xúc của cử tri được làm rõ, xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục.Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Lai Châu đã tổ chức 10 kỳ họp (08 kỳ họp thường kỳ, 02 kỳ họp bất thường), có 28 lượt đại biểu chất Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, những vấn đề “nóng” bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm. Người được chất vấn trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, đúng vấn đề chất vấn; rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp; điều hành của Chủ tọa đảm bảo linh hoạt, theo đến cùng vấn đề chất vấn.

Để hoạt động chất vấn thật sự hiệu quả, kinh nghiệm đặt ra, đó là:

Thứ nhất, chọn vấn đề chất vấn: Đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cư tri và dư luận quan tâm. Đối với Lai Châu, Thường trực HĐND tỉnh gợi ý chất vấn gửi đến các Tổ đại biểu; trước ngày khai mạc kỳ họp, các đại biểu được triệu tập về trước 01 ngày đề sinh hoạt tổ, nghiên cứu tài liệu và thảo luận các nội dung sẽ phát biểu tại kỳ họp, trong đó thảo luận nội dung sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Tổ đại biểu cử những người am hiểu về lĩnh vực chất vấn, giọng nói rõ ràng, mạch lạc, biết sử dụng ngôn ngữ tốt để tham gia chất vấn tại kỳ họp. Do đó vấn đề được lựa chọn đảm bảo kỹ, là vấn đề lớn, “nóng” tại địa phương.

Việc lựa chọn đối tượng trả lời chất vấn cũng được Tổ đại biểu quan tâm, tránh trường hợp chất vấn không đúng người có trách nhiệm, vì thực tế có trường hợp đại biểu chất vấn những việc không thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn. Do đó Tổ đại biểu thảo luận kỹ và thống nhất đối tượng trả lời chất vấn sẽ đảm bảo đúng người có trách nhiệm.

Thứ hai, điều hành phiên chất vấn phải đảm bảo thật linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, cởi mở. Chủ tọa điều hành theo hướng gợi mở vấn đề, trường hợp liên quan đến cơ quan, ngành, cá nhân khác thì chủ tọa yêu cầu người đứng đầu cơ quan, ngành hoặc cá nhân đó giải trình thêm. Một đại biểu chất vấn, nhưng thảo luận chất vấn thì chủ tọa gợi mở để nhiều đại biểu cùng tham gia “truy vấn”. Sau mỗi phát biểu giải trình của người bị chất vấn và câu hỏi thêm của đại biểu tham gia chất vấn, Chủ tọa đều chốt vấn đề cụ thể, như vậy các vấn đề chất vấn sẽ được làm rõ ngay tại kỳ họp.

Thứ ba, kết luận chất vấn, đây là vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng. Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn, trong đó giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc giải quyết những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp, yêu cầu rõ thời gian hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh; đồng thời báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp tiếp theo.

Thứ tư, giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn, trên cơ sở Thông báo kết luận phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn. Có thể kết hợp với giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn; báo cáo kết quả giám sát với HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp không giám sát thì đề nghị UBND tỉnh báo cáo việc chỉ đạo thực hiện “lời hứa” chất vấn và báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh. Làm như vậy, trách nhiệm của người bị chất vấn được nâng lên, vấn đề chất vấn được giải quyết kịp thời./.

Nguyễn Thị Thuỷ

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Bế mạc Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023(23/03/2023 5:30:13 CH)

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh: sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 3 năm 2023(23/03/2023 5:19:41 CH)

Nhiều công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả(22/03/2023 3:36:39 CH)

Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023(22/03/2023 2:59:48 CH)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức trực tuyến(21/03/2023 10:54:24 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này