19393 lượt truy cập
Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổi ĐBQH và HĐND Lai Châu

Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Tuyên Quang trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu
(Ngày đăng :01/10/2013 12:00:00 SA)

Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệp hoạt động của HĐND 14 tỉnh miền núi và trung du phía bắc lần thứ V tại tỉnh Lai Châu (26-27/9/2013)

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; đồng thời đề cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, vốn là cụ thể hóa tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, được Luật Tổ  chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003 quy định rõ tại các Điều 17, 42, 53, 65; nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm là lần đầu tiên được quy định tại Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội.

Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc và trách nhiệm trong lấy phiếu tín nhiệm đã được quy định chung tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng do là việc làm mới và hệ trọng, để đảm bảo được mục đích yêu cầu, nguyên tắc đã được đặt ra, tạo sự thống nhất thực hiện ở các cấp Hội đồng nhân dân thì vấn đề cụ thể hóa từng bước thực hiện là rất quan trọng. Do vậy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức họp với các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan để quán triệt các văn bản liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm và triển triển khai việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; hướng dẫn về mẫu phiếu, mẫu tờ trình, mẫu biên bản, mẫu nghị quyết để thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; quy định cụ thể thời gian lấy phiếu tín nhiệm, hình thức lấy phiếu tín nhiệm ... Cùng với quy định yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống từ khi được HĐND bầu giữ chức vụ theo hướng dẫn chung; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá kết quả hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến thời gian lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu đầy đủ, toàn diện cả khâu kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lập danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, dự kiến danh sách Ban kiểm phiếu thực hiện dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể: Danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, dự kiến danh sách ban kiểm phiếu được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân để trình xin ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp biểu quyết thông qua.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được gửi đầy đủ và đúng thời gian các báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm; Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có đủ thời gian để nghiên cứu, làm cơ sở để thảo luận và đánh giá mức độ tín nhiệm.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quán triệt các nội dung, văn bản có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, nêu rõ đối tượng, số lượng người trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trong đó nêu rõ số lượng người được lấy phiếu tín nhiệm, nguyên nhân người chưa lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp, xin ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc tổ chức họp Tổ đại biểu để thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rất quan trọng và được thực hiện công khai, dân chủ. Thông qua họp Tổ, đại biểu Hội đồng nhân dân phản ảnh đầy đủ, toàn diện những ý kiến của mình đối với tập thể và cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm, có Tổ đại biểu, tất cả đại biểu có ý kiến phát biểu thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Thường trực Hội đồng nhân dân tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân, báo cáo  và giải trình trước kỳ họp. Do làm tốt công tác chuẩn bị, trong cả quá trình lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân các cấp, chỉ có 01 người được lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp huyện có ý kiến yêu cầu báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ và được đã được tiếp thu, giải trình, được đại biểu chấp thuận.

Phiếu tín nhiệm được chuẩn bị theo 05 loại phiếu, in trên 05 màu giấy riêng theo từng đối tượng, nhóm đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm; phiếu được sắp xếp thành bộ để thuận lợi cho quá trình phát phiếu, ghi phiếu và kiểm phiếu.

Ban kiểm phiếu có số lượng, cơ cấu và hoạt động đảm bảo theo Luật định; thực hiện việc phát phiếu, bỏ phiếu, kiểm phiếu đảm bảo nhanh, chính xác, chặt chẽ. Kết quả kiểm phiếu được Ban kiểm phiếu báo cáo công khai tại kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp xin ý kiến đại biểu về việc kiểm phiếu, kết quả kiểm phiếu.

Chủ tọa kỳ họp thông qua dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả kiểm phiếu; Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được ban hành theo quy định và được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Qua thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cho thấy:

Đại biểu Hội đồng nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm đối với những người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm; người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc;

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh khách quan, đúng thực tiễn mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, kết quả hoạt động của lĩnh vực mà người đó phụ trách; kết quả này giúp cho người giữ các chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm còn một số hạn chế tồn tại, như:

- Một số người được lấy phiếu tín nhiệm viết báo cáo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu nội dung còn sơ sài; do không có mẫu báo cáo nên người viết dài, người viết ngắn, người viết theo hướng dẫn kiểm điểm nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ...

- Một số ít chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu chưa được thông tin đầy đủ những vấn đề có liên quan do vậy thể hiện mức độ tín nhiệm chưa thật chính xác.

- Chưa có quy định cụ thể trong việc thực hiện báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, việc kiểm tra, giám sát và lưu hồ sơ lấy phiếu tín nhiệm. 

Từ thực tế trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị như sau:

1- Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định cụ thể việc báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, việc kiểm tra, giám sát và  lưu giữ hồ sơ lấy phiếu tín nhiệm.

2 - Đề nghị có mẫu báo cáo cho từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm để người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống. 

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong việc lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, Bám sát Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội, Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 ngày 16/01/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩnđể ban hành hướng dẫn, quy trình lấy phiếu tín nhiệm trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hai là, Công tác chuẩn bị phải tiến hành chu đáo, có kịch bản điều hành cụ thể, chi tiết, khoa học; công tác kiểm tra, giám sát tiến hành kịp thời để phát hiện những hạn chế, bất cập kiến nghị điều chỉnh bổ sung, uốn nắn giúp cho việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả tốt, không để lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Hội đồng nhân dân và kết quả tín nhiệm; công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện đầy đủ, kịp thời từ trước, trong và sau khi lấy phiếu tín nhiệm.
Ba là, Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm; đề cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá thận trọng, khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm đối với những người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm.

Tin liên quan

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 ứng cử tại huyện Than Uyên(31/05/2021 8:43:43 CH)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát(02/02/2021 9:55:19 CH)

Mối quan hệ giữa điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và tính đại diện của Hội đồng nhân dân các cấp(09/09/2020 3:45:44 CH)

Kinh nghiệm xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân(30/03/2020 2:47:54 CH)

Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu(20/03/2020 2:27:49 CH)

Tin mới nhất

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(29/05/2023 9:18:09 SA)

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh khoas XV, nhiệm kỳ 2021-2026(26/05/2023 3:52:31 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(26/05/2023 9:54:35 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này