BẢN TỔNG HỢP PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ SÁU HĐND TỈNH KHOÁ XIII Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khoá XIII diễn ra vào chiều ngày 12/7/2013, có 5 đại biểu chất vấn UBND tỉnh và 2 sở, ngành: Giao thông Vận tải, Y tế . Các nội dung chất vấn đã được trả lời tại kỳ họp và trả lời bằng văn bản. Trên cơ sở trả lời chất vấn bằng văn bản và gỡ băng ghi âm phiên chất vấn, Ban Biên tập tổng hợp nội dung phiên chất vấn, như sau:
1. Đại biểu Sùng Lử Páo, Tổ đại biểu huyện Tam Đường chất vấn Sở Giao thông - Vận tải: Trong thời gian qua Sở Giao thông - Vận tải Lai Châu làm chủ đầu tư tuyến đường trên địa bàn các huyện. TamĐường có các tuyến: Thị xã Lai Châu đi Sùng Phài; Bình Lư - Nà Tăm - Bản Bo; Bản Hon - Khun Há. Tổng số các tuyến dài trên 2km. Đã bàn giao cho huyện từ năm 2010 – 2011 quản lý. Đến nay các tuyến này đã xuống cấp nghiệm trọng như: sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở hệ thống cống rãnh, mặt đường ở nhiều vị trí trên các tuyến đường. Nếu khắc phục sửa chữa, nâng cấp sẽ tốn kém hàng tỷ đồng, nguồn kinh phí này vượt quá khả năng duy tu, nâng cấp, sửa chữa của cấp huyện. Sở Giao thông - Vận tải (chủ đầu tư) với trách nhiệm của mình cho biết: 1. Trách nhiệm về chất lượng các công trình xuống cấp nhanh do nguyên nhân ở đâu? 2. Để khắc phục các công trình giao thông ở Tam Đường cũng như ở một số huyện thuộc về ai? Nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp ở đâu? 3. Giải pháp trong thời gian tới? * Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trả lời (Tại văn bản số 781/SGTCT-KH, ngày 11/7/2013 của Sở Giao thông Vận tải): Sở Giao thông – Vận tải xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và trả lời ý kiến của đại biểu như sau: Năm 2010 tỉnh Lai Châu được đầu tư 6 tuyến đường giao thông nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, do Ban QLDA - Bộ GTVT ủy thác cho phân ban PPMU tỉnh Lai Châu - Sở GTVT tỉnh triển khai thực hiện, trong đó huyện Tam Đường có 4 tuyến đường là: Thị xã Lai Châu - Sùng Phài; Bình Lư - Nà Tăm - Bản Bo; Bản Hon - Khun Há; Thèn Sin - Sin Suối Hồ. Các công trình trên được triển khai thi công hoàn thành, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định và đã được nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010 và 2011, thời gian bảo hành công trình là 1 năm. Khi hết thời gian bảo hành công trình, chủ đầu tư cùng với huyện Tam Đường và các bên liên quan kiểm tra, các hư hỏng để yêu cầu nhà thầu khắc phục sửa chữa sau đó các bên kiểm tra nghiệm thu, xác nhận đủ điều kiện để bàn giao công trình cho huyện Tam Đường quản lý, khai thác và bảo trì. Sau khi bàn giao, trách nhiệm quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì công trình thuộc UBND huyện Tam Đường bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách huyện cân đối hàng năm, thời gian qua do ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ nên còn tình trạng sạt lở taluy dương, taluy âm, một số cống rãnh bị tắc, nước chảy tràn lan trên mặt đường ảnh hưởng tới kết cấu mặt đường, gây rạn nứt tại một số vị trí. Bên cạnh đó, tình trạng phương tiện vận tải chở quá tải trọng còn xảy ra, khó kiểm soát nên đã gây xuống cấp mặt đường. Đề nghị UBND huyện Tam Đường chỉ đạo Phòng Công thương kiểm tra, rà soát, lựa chọn các phần việc cần thiết, xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện để sửa chữa, bảo trì từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông được bố trí hàng năm. Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, giải pháp trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh huy động, tiếp nhận kinh phí của quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, cân đối cho địa phương để thực hiện công tác bảo trì đường bộ địa phương. Trong điều kiện nguồn kinh phí cho công tác bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn còn hạn hẹp, đề nghị UBND huyện vận động, huy động nhân dân nơi các tuyến đường đi qua cùng tham gia đóng góp ngày công để bảo trì, nâng cao tuổi thọ công trình. + Đại biểu Sùng Lử Páo hỏi thêm: Khi xây dựng một số tuyến đường do không thiết kế xây kè, xây rãnh nên khi mưa các ta luy bị mòn xoáy sâu, một số đoạn đất đá sạt xuống lòng đường gây tắc, đề nghị Sở tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để kịp thời sửa chữa. + Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải làm rõ vấn đề đại biểu nêu. + Ông Đoàn Đức Long: Giải trình ý kiến của đại biểu Sùng Lử Páo, cụ thể: Theo Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thiết kế các công trình giao thông nông thôn đối với tuyến đường cải tạo, nâng cấp (theo quy trình của Bộ Giao thông Vận tải ban hành) ban đầu chỉ thiết kế với xe có trọng tải H8, nhưng thực tế xe có trọng tải lớn hơn vẫn đi qua các tuyến đường này, do đó sau khi triển khai giai đoạn I (2002-2005) Sở Giao thông Vận tải Lai Châu và một số tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã có điều chỉnh nâng mức thiết kế dành cho xe có trọng tải H10 và nay là H13. Đối với thiết kế mặt đường trong điều kiện không có kinh phí thiết kế nên chỉ thực hiện được đến mức thấp nhất về kết cấu mặt đường (70/70). Đối với tỉnh miền núi như Lai Châu, nguồn kinh phí kiên cố hóa hạn chế, do đó Sở đã lựa chọn các hạng mục công trình cần phải đầu tư nên vấn đề kiên cố hóa kè ta luy dương, ta luy âm chưa trình được cấp có thẩm quyền, hơn nữa với điều kiện miền núi dốc ngăn lớn, mưa nhiều, vấn đề xảy ra sụt lở khó lường hết được trong quá trình thiết kế. + Chủ tọa kỳ họp kết luận: Những câu hỏi do đại biểu nêu đã được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời làm rõ vấn đề. 2. Đại biểu Lý Thị Chướng, Tổ đại biểu huyện Nậm Nhùn chất vấn Sở Giao thông – Vận tải: (1). Tuyến đường Pa Tần – Mường Tè được thi công từ năm 2009 đến nay đoạn qua xã Trung Chải đã đưa vào sử dụng, nhưng còn thiếu 20% của 88 hộ ở hai xã Nậm Ban, Trung Chải chưa được thanh toán đền bù dẫn đến nhân dân tự ý rào đường, không cho phương tiện qua lại, các cơ quan của huyện, tỉnh cùng với xã đến giải quyết nhiều lần (03 lần) nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân. (2). Khi thu hồi đất để thực hiện dự án làm tuyến đường này có 04 hộ dân ở bản Trung Chải đã được đo đạc kiểm đếm và ký vào văn bản nhưng khi công khai phương án thì lại không được đền bù. (3). Một số hộ ở bản Trung Chải khi di chuyển được ban QLDA hỗ trợ san ủi mặt bằng không thu tiền. Nhưng còn hộ ông Giàng A Lồng lại bị thu 7.000.000đ (bẩy triệu đồng) những vấn đề này đã gây thắc mắc trong nhân dân. * Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trả lời (Tại văn bản số 780/SGTVT, ngày 11/7/2013 của Sở Giao thông Vận tải): 1. Tuyến đường Pa Tần – Mường Tè được thi công từ năm 2009. Công tác GPMB của dự án đã được UBND tỉnh giao cho hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè tổ chức thực hiện. Sở GTVT đã ký kết hợp đồng với UBND hai huyện để thực hiện công tác GPMB. Trong quá trình thực hiện GPMB dự án xây dựng đường Pa Tần – Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện đã tiến hành thực hiện việc đo vẽ quy chủ và lên phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thực hiện kiểm đếm, lên phương án và công khai phương án vào thời điểm cuối năm 2011 được áp giá đất theo đơn giá tại quyết định số 38/2009/QĐ-UBND ngày 23/12/2009 của UBND tỉnh, do quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng kéo dài đến tháng 5 năm 2012 Trung tâm phát triển quỹ đất mới hoàn thành được phương án để trình phê duyệt, nên phương án phê duyệt được áp giá đất theo quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 29/12/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định giá các loại đất năm 2012 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, vì thế phương án công khai và phương án phê duyệt có sự chênh lệch cụ thể là giá đất nương rẫy bị giảm(năm 2011 là 100% thì năm 2012 chỉ có 80%). Trước tình hình đó Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh đồng thời phối kết hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất cũng như UBND huyện Sìn Hồ và Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết là cho phép áp giá tại thời điểm công khai để phù hợp với điều kiện thực tế. Sở TNMT đã có công văn số 100 ngày 14/6/2013 và công văn số 460 ngày 2/7/2013 gửi Sở Tư pháp để thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt nhưng Sở Tư pháp không nhất trí với phương án điều chỉnh tại vản bản số 234 ngày 18/6/2013 và văn bản số 272 ngày 9/7/2013. Nên đến thời điểm này vẫn chưa trình UBND tỉnh để phê duyệt. Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết trong thời gian tới. 2. Việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đường Pa Tần – Mường Tè, UBND tỉnh đã giao cho hai huyện Sìn Hồ, Mường Tè thực hiện. Trong quá trình thực hiện ngay từ việc hợp đồng đo vẽ quy chủ cũng như việc kê khai kiểm đếm lên phương án là do Trung tâm phát triển quỹ đất của hai huyện chủ động thực hiện. Đối với 04 hộ dân ở bản Trung Chải đã được đo đạc kiểm đếm và ký vào văn bản nhưng khi công khai phương án thì lại không được đền bù, vấn đề này do Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Sìn Hồ thực hiện, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến và phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất của UBND huyện cũng như các cấp chính quyền địa phương để xác minh và trả lời cho đại biểu trong tháng 7/2013. 3. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phải di chuyển một số hộ gia đình thuộc bản Trung Chải, Sở GTVT đã động viên nhà thầu thi công hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân di chuyển được nhanh chóng và thuận lợi như: Vận chuyển, san ủi mặt bằng để ổn định cuộc sống cho nhân dân. Hộ gia đình ông Giàng A Lồng không có trong khu vực mặt bằng chung mà Sở vận động nhà thầu hỗ trợ sau san gạt. Hộ gia đình đã tự thỏa thuận với nhà thầu thi công để san ủi mặt bằng tại vị trí khác nên Sở GTVT không thể nắm được việc thỏa thuận của gia đình với nhà thầu thi công. + Đại biểu Lý Thị Chướng hỏi thêm: Đề nghị đồng chí cho biết đến thời gian nào Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để chi trả số tiền còn lại cho 88 hộ xã Trung Chải? + Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp làm rõ thêm vấn đề trên về việc không nhất trí thẩm định dự thảo quyết định theo công văn số 400 ngày 14/6/2013 và công văn số 460 ngày 02/7/2013 của Sở Tài nguyên – Môi trường. + Ông Nguyễn Quang Tản – Giám đốc Sở Tư pháp: Trả lời nội dung yêu cầu của Chủ tọa kỳ họp: Thứ nhất, đề nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường không phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Luật Đất đai vì theo quy định của pháp luật, quyết định phương án bồi thường phải được thực hiện trước thời điểm công khai phê duyệt. Thứ hai, các Sở: Tài nguyên - Môi trường, Giao thông Vận tải công khai bồi thường cho nhân dân vào thời điểm công khai phương án bồi thường là không hợp lý vì theo quy định Sở Giao thông Vận tải phải tổng hợp ý kiến của dân trước và phải được cơ quan tài nguyên môi trường thẩm định. + Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời thêm câu hỏi của đại biểu, làm rõ thêm ý kiến của đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp và biện pháp tháo gỡ hiện nay. + Ông Đoàn Đức Long: Việc thay đổi chế độ chính sách không phải riêng trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải mà liên quan đến các quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về chế độ chính sách đối với đền bù giải phóng mặt bằng. Sở đã trao đổi với Sở Tài nguyên - Môi trường là cơ quan nghiên cứu về chế độ chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để có hướng giải quyết vấn đề trên. Đối với ý kiến đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp: Khi lên phương án bồi thường năm 2009 tại thời điểm đó đã công khai các phương án đền bù với giá đất nương rẫy là 100% theo quyết định, song do có sự chậm trễ về thời gian nên khi trình phê duyệt phương án thì thực hiện theo quyết định mới (giá đất nương rẫy là 80%). Trách nhiệm trình duyệt không thuộc về Sở mà thuộc về huyện vì tỉnh đã giao cho Hội đồng hỗ trợ tái định cư huyện, Sở chỉ có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền. + Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị trả lời ý kiến của đại biểu Lý Thị Chướng, thời gian nào sẽ tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vấn đề trên để 88 hộ dân không rào đường và cho các phương tiện giao thông qua lại? + Ông Đoàn Đức Long: Vấn đề này Sở đã có ý kiến với Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện, Sở Tài nguyên - Môi trường là các cơ quan liên quan nghiên cứu về các chế độ chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng… Sở sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu phương án để tham mưu báo cáo UBND tỉnh trong thời gian tới, trong đó đề nghị hỗ trợ 100% cho 88 hộ dân. + Chủ tọa kỳ họp kết luận: Đồng chí Giám đốc chưa khẳng định được thời gian giải quyết. Đề nghị chủ đầu tư và Sở Tài nguyên Môi trường, các cơ quan có liên quan cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai công tác đền bù đảm bảo đúng các quy định. Chủ đầu tư sớm đề ra các giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh để tổ chức thực hiện. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ và giải quyết vấn đề trên trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi của người dân. 3. Đại biểu Dì A Xà, Tổ đại biểu huyện Phong Thổ chất vấn UBND tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh cho biết việc giải quyết thanh toán đền bù tuyến đường Thèn Sin – Sin Suối Hồ còn 22 hộ sót lại. Nay đã giải quyết được đến đâu? Bao giờ thanh toán cho dân? * Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thừa ủy quyền UBND tỉnh trả lời (Văn bản trả lời số 857/UBND - XD, ngày 11/7/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh): Về nội dung chất vấn của đại biểu, UBND tỉnh đã có báo cáo số 139/BC-UBND ngày 03/7/2001 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) với tổng mức đầu tư được duyệt là 28 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, UBND huyện Tam Đường đã lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành gửi Sở Tài Chính thẩm định quyết toán theo quy định. Tuy nhiên trong thời gian qua, UBND huyện Tam Đường và Phong Thổ nhận được đơn thư khiếu nại của người dân (22 hộ) về giải quyết các vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án. UBND huyện Phong Thổ đã tổ chức rà soát và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các Quyết định: số 352/QĐ-UBND ngày 18/5/2011, số 2499/QĐ-UBND ngày 26/12/2011, số 2575/QĐ-UBND ngày 26/11/2012 với tổng giá trị phê duyệt là 803 triệu đồng. UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tỉnh cho UBND huyện Tam Đường số tiền 803 triệu đồng để thực hiện chi trả theo phương án phê duyệt: + Quyết định số 700/QĐ-UBND ngày 20/6/2011 là 500 triệu đồng (UBND huyện Tam Đường đã thực hiện chi trả 490 triệu đồng). + Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 18/6/2013 là 303 triệu đồng. Như vậy kinh phí chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng của 22 hộ dân đã được bố trí theo phương án phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tam Đường có trách nhiệm chi trả theo đúng phương án bồi thường đã được phê duyệt để đảm bảo quyền lợi cho người dân. - Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị lãnh đạo huyện Tam Đường làm rõ thêm. - Ông Vương Văn Thắng, đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tam Đường: Công trình đường Thèn Sin - Sin Suối Hồ đã được triển khai trước khi chia tách tỉnh, phần đền bù đã được 2 huyện Tam Đường, Phong Thổ phối hợp giải quyết nhiều lần, tuy nhiên do có sự chồng chéo về đối tượng đền bù, hơn nữa dự án đã quá lâu nên mức giá đền bù thay đổi. Vừa qua UBND tỉnh đã có chỉ đạo về vấn đề này và 2 huyện đã thống nhất phương án nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thể chi trả cho nhân dân. - Ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định về phương án đền bù tuyến đường trên với tổng số tiền là 803 triệu, đã thanh toán 500 triệu, về việc phát sinh 22 hộ với tổng đền bù là 303 triệu, UBND tỉnh đã ký quyết định tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh để giải quyết từ ngày 18/6/2013. - Chủ tọa kết luận: Nội dung trả lời và giải trình thêm đã rõ. Hiện nay UBND tỉnh đã ban hành quyết định cấp kinh phí về cho huyện Tam Đường để xử lý. Sau khi nhận được kinh phí, đề nghị UBND huyện Tam Đường chỉ đạo giải quyết kịp thời việc đền bù, tránh gây bức xúc trong nhân dân trong nhiều năm; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, các ngành khẩn trương trong việc đền bù tránh tình trạng phát sinh thêm do để quá lâu dẫn đến tăng kinh phí; đề nghị UBND các cấp, nhất là các chủ đầu tư rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. 4. Đại biểu Phan Văn Nguyên thuộc Tổ đại biểu huyện Tân Uyên chất vấn Sở Y tế (Văn bản trả lời số 482/TLCV - SYT ngày 11/7/2013 của Sở Y tế): Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (tháng 7/2012) tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Tân Uyên có chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Y tế về tiến độ xây dựng công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế đã trả lời chất vấn và hứa với cử tri huyện Tân Uyên đến quý III/2013 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng với điều kiện có vốn. Được biết sau kỳ họp tỉnh đã rất quan tâm bố trí vốn trong năm 2013 là 24 tỷ đồng (TPCP 14 tỷ, Ngân sách tỉnh 10 tỷ). Tuy nhiên đến nay đã sang quý III/2013 nhưng hiện nay tiến độ xây dựng công trình rất chậm, khó hoàn thành đúng thời gian. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết. (1). Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ xây dựng công trình? (2). Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc đôn đốc các nhà thầu thi công? (3). Bao giờ công trình được đưa vào sử dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân? (4). Đã có sự phối hợp giữa Chủ đầu tư và Chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình chưa? * Giám đốc Sở Y tế trả lời : Tại văn bản số 406a/SYT-TLCV ngày 10/7/2012 Sở Y tế đã giải trình chất vấn của Đại biểu HĐND Phan Văn Nguyên về tiến độ thi công chậm của dự án xây dựng Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Uyên tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (tháng 7/2012). Trong văn bản đã nêu rõ nguyên nhân chậm tiến độ của dự án là do thiếu vốn (kinh phí cấp trên tổng mức đầu tư là 28/68,5 tỷ đồng) và Sở Y tế có đưa ra 03 giải pháp sau: “1. Chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tiến hành thi công khẩn trương để hoàn thành công trình. 2. Có biện pháp kiên quyết mạnh mẽ với những nhà thầu không thực hiện nghiêm theo yêu cầu của chủ đầu tư như chấm dứt hợp đồng và mời các nhà thầu khác đáp ứng yêu cầu thay thế. 3. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Sở Y tế cần được cấp bổ sung kinh phí với số tiền là 40,5 tỷ đồng trong đó: + Kinh phí TPCP là 14 tỷ đồng. + Kinh phí từ nguồn của địa phương là 26,5 tỷ đồng. Nếu được cấp bổ sung kinh phí kịp thời, Sở Y tế cam kết đưa Bệnh viện Đa khoa Tân Uyên vào hoạt động trong Quý III/2013.” Đến nay mặc dù chưa hết thời gian cam kết nhưng để đưa công trình vào sử dụng trong năm 2013 Sở Y tế xin giải trình như sau: (1). Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ xây dựng công trình: - Do khủng hoảng kinh tế một số nhà thầu bị phá sản cho nên không thực hiện được đúng cam kết tiến độ thi công và khó có khả năng hoàn thành khối lượng gói thầu theo hợp đồng đã ký kết. - Về việc vốn chưa đáp ứng theo dự án được phê duyệt. Mặc dù ngay sau kỳ họp thứ 4 HĐND khóa XIII Sở Y tế đã tham mưu cho UBND kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xin cấp ứng vốn năm 2014 cho dự án nhưng không được phê duyệt nên Sở Y tế phải tạm dừng một số gói thầu do không có vốn thực hiện. Đến đầu năm 2013 dự án mới được cấp 24 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu vốn là 40,5 tỷ đồng còn thiếu 16,5 tỷ đồng. Trong đó: + Nguồn vốn TPCP được cấp trong tháng 01/2013 là: 14 tỷ đồng. + Nguồn vốn địa phương được cấp trong tháng 02/2013 là: 10/26,5 tỷ đồng. - Do thời tiết năm 2013 mùa mưa đến sớm và lượng mưa quá nhiều, bắt đầu từ tháng 5 và hiện nay đang trong thời gian hoàn thiện nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của các nhà thầu. (2). Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đôn đốc các nhà thầu thi công: Sở Y tế đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã nêu trong trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND (tháng 7/2012) cụ thể như sau: - Đã kiến quyết sử dụng biện pháp mạnh mẽ như chấm dứt hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Duy Tiến nhà thầu thi công hạng mục nhà chính gói thầu số 12: thi công xây dựng nhà số 01 (khoa khám bệnh, chuẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm hành chính quản) và hạng mục nhà số 02 (khoa ngoại chuyên khoa và phụ sản). Tuy nhiên việc chốt khối lượng, thanh lý hợp đồng, tổ chức đấu thầu lại để thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật mất nhiều thời gian. Hiện nay Sở Y tế đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu khác có đủ năng lực thay thế và nhà thầu cam kết thi công xây dựng hoàn thành hạng mục trong quý IV/2013. - Đã thường xuyên kiểm tra hiện trường thi công, đôn đốc tiến độ bằng văn bản, tổ chức các cuộc họp giữa chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn điều hành giám sát (BQLDA huyện Tân Uyên), đơn vị thi công nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ được thể hiện như sau: Đã ban hành các văn bản đôn đốc thường xuyên và thông báo kết luận các cuộc họp làm việc của chủ đầu tư với các nhà thầu và các nhà thầu đều có các văn bản cam kết tiến độ thi công các hạng mục của dự án. - Ngay sau khi được cấp vốn đầu năm 2013 Sở Y tế đã tiến hành tổ chức tiếp các gói thầu xây lắp hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải, rác thải và một số hạng mục phụ trợ khác để đẩy nhanh tiến độ đưa công trình vào sử dụng. (3). Thời gian đưa công trình Bệnh viện Đa khoa Tân Uyên vào phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân: Sở Y tế đang cùng với BQLDA huyện Tân Uyên đã và đang tích cực đôn đốc các nhà thầu khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Sở Y tế phấn đấu bàn giao công trình Bệnh viện Đa khoa Tân Uyên vào phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong năm 2013. (4). Sự phối hợp giữa Chủ đầu tư và Chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên. Giữa Sở Y tế và Chính quyền địa phương đã có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát công trình Bệnh viện Đa khoa Tân Uyên được thể hiện bởi các công việc cụ thể sau: Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ Chủ đầu tư cho Sở Y tế và giao cho BQLDA huyện Tân Uyên tư vấn điều hành, giám sát thi công trực tiếp dự án. Sở Y tế đã cùng với BQLDA huyện thường xuyên trao đổi thống nhất từ khâu lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, giao ban họp định kỳ, kiểm tra, giám sát đôn đốc các nhà thầu cùng nhau tìm các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ sớm đưa công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. - Đại biểu Phan Văn Nguyên hỏi thêm: Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết biện pháp đối với Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phúc Thắng nhà thầu thi công tại gói thầu số 15 gồm giao thông, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sân; về việc đã ứng 3/4 tỷ vốn đầu tư (mức đầu tư đã điều chỉnh từ 6,8 tỷ và điều chỉnh xuống 4 tỷ) nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành khởi công. - Ông Nguyễn Công Huấn trả lời: Gói thầu số 15 với tổng mức gói thầu 6,8 tỷ, sau khi đấu thầu, Sở Y tế đã cho tạm ứng, theo quy định nhà thầu không được ứng quá 50% tổng mức vốn, nhà thầu đã ứng 3/6,8 tỷ, nay việc xây tường rào đã xong, còn các phần việc tiếp theo là sân, đường, hệ thống cấp thoát nước phải chờ khi các hạng mục chính cơ bản hoàn thành mới có thể tiến hành được. Thời gian này Sở cũng đã và đang kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tiếp tục thi công để đảm bảo đúng tiến độ đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2013. - Đại biểu Phan Văn Nguyên: Hiện nay các gói thầu khác đã thi công gần xong, đã dọn dẹp nơi để nguyên vật liệu trong sân, tuy nhiên vẫn chưa thấy Doanh nghiệp Phúc Thắng thi công, đề nghị Sở đôn đốc quyết liệt hơn việc thi công đối với gói thầu số 15 và các gói thầu khác để hoàn thành và quý IV đưa vào sử dụng theo cam kết. - Đại biểu Lê Thị Kim Ngân: Đề nghị Sở Y tế nói riêng và các sở ngành khi được chất vấn có các công trình, nếu có những nguyên nhân khách quan không thực hiện được như đã hứa thì có văn bản gửi tổ đại biểu tại nơi có công trình được chất vấn biết để đại biểu có căn cứ giải trình khi cử tri có ý kiến thắc mắc trong quá trình tiếp xúc cử tri. - Ông Nguyễn Công Huấn trả lời: Sở đã cố gắng hết sức để đẩy nhanh tiến độ thi công và hứa sẽ đôn đốc quyết liệt hơn để sớm hoàn thành đưa công trình bệnh viện Tân Uyên vào hoạt động quí IV năm 2013. - Chủ tọa kỳ họp: Đồng chí Giám đốc Sở Y tế đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại, phương hướng giải quyết. UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn năm 2013, đề nghị Sở khẩn trương đôn đốc các nhà thầu tổ chức thực hiện triển khai đảm bảo đúng tiến độ bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2013; phối kết hợp với cấp ủy chính quyền địa phương trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng hiện nay có một số công trình mới được đầu tư nhưng đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Giao tổ đại biểu Tân Uyên tiến hành tổ chức giám sát nội dung trên theo lời hứa của đồng chí Giám đốc Sở Y tế. - Đại biểu Lò Văn Giàng: Đề nghị cho biết việc giải ngân vốn thực hiện công trình về khối lượng đạt được trên tổng mức đầu tư là bao nhiêu, từ đó tham mưu, đề xuất ứng Trái phiếu Chính phủ năm 2014. - Ông Nguyễn Công Huấn: Nguồn vốn năm 2012 mới cấp được tổng số 28/68,5 tỷ đồng, năm 2013 cấp 24 tỷ, trong đó 14 tỷ trái phiếu và 10 tỷ ngân sách địa phương. Tổng kinh phí được cấp đến nay là 52 tỷ/68,5 tỷ, còn thiếu 16,5 tỷ. Giải ngân: năm 2012 đạt 100%, năm 2013 đến nay đã giải ngân 50%, một số gói thầu thiết bị sau khi nhà thầu thi công sẽ giải ngân hết số tiền còn lại. Như vậy nguồn vốn đầu tư cho bệnh viện Tân Uyên còn thiếu 16,5 tỷ, trái phiếu Chính phủ nay đã cấp hết nên không có việc ứng TPCP năm 2014 cho năm 2013, số kinh phí 16,4 tỷ chỉ xin nguồn khác hoặc nguồn từ ngân sách địa phương. Khối lượng thi công đến nay đã được 40/52 tỷ được cấp, phần còn lại sẽ tiếp tục giải ngân từ nay đến cuối năm, như vậy vốn cho bệnh viên Tân Uyên vẫn chưa đủ. - Chủ tọa kỳ họp: Khối lượng thi công đạt khá so với tổng mức đầu tư, nhưng hiện nay còn thiếu 16,5 tỷ đồng, đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cho biết biện pháp khắc phục tình trạng thiếu vốn nêu trên. - Ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Hiện nay theo thông báo, nguồn trái phiếu Chính phủ đối với lĩnh vực y tế yêu cầu dừng kỹ thuật, do đó tỉnh đã bố trí thêm 10 tỷ từ nguồn tăng thu của ngân sách địa phương để bù đắp cho phần còn thiếu nhưng cũng không đủ, đề nghị trong lúc chưa bố trí được nguồn vốn thì dừng các công trình phụ trợ như sân, vườn, tường rào…để tập trung đầu tư các hạng mục chính phục vụ khám chữa bệnh. - Ông Nguyễn Công Huấn: Việc dừng các công trình phụ trợ là rất khó khăn do hiện nay các hạng mục đã mở thầu, đang thi công dở dang. - Chủ tọa kỳ họp: Đề nghị UBND tỉnh cho biết hướng giải quyết. - Ông Nguyễn Khắc Chử, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Những công trình hoàn thành trong năm 2013 đã bố trí đến 70 - 80% vốn, vậy việc bố trí nguồn vốn cho công trình này đến nay đã bảo đảm theo Nghị quyết HĐND tỉnh, đề nghị chủ đầu tư vận động nhà thầu tiếp tục hoàn thiện để cơ bản hoàn thành công trình này và đưa vào sử dụng trong quí IV năm 2013, vốn năm 2014 sẽ cân đối tiếp có thể đảm bảo được 100% hoặc 50% trong tổng số 16,5 tỷ còn thiếu. Trang thiết bị vẫn phải đảm bảo tối thiểu phục vụ khám chữa bệnh để đi vào hoạt động. - Chủ tọa kỳ họp: Đại biểu Nguyễn Khắc Chử đã trả lời rõ các nội dung mà các vị đại biểu quan tâm: thứ nhất vốn đã bố trí vốn đủ đảm bảo theo Nghị quyết HĐND tỉnh; thứ hai đề nghị chủ đầu tư khẩn trương đảm bảo tiến độ công trình, còn nguồn vốn sẽ cân đối tiếp vào năm 2014; thứ ba trang thiết bị tối thiểu cần phải được đầu tư. 5. Đại biểu Tòng Thị Đoan – Tổ đại biểu Than Uyên chất vấn UBND tỉnh: Chỉ tiêu trồng rừng năm 2012 không đạt (kết dư 13 tỷ). Trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ tiêu này đạt thấp, có khả năng hết năm 2013 chỉ tiêu này khó đạt, lại kết dư trong khi nhu cầu của địa phương lại rất cần. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân vướng mắc ở khâu nào? Trách nhiệm của cơ quan đơn vị có liên quan, giải pháp tới như thế nào * Ông Lê Trọng Quảng - Phó chủ tịch UBND tỉnh trả lời (văn bản trả lời số 858/UBND - NN, ngày 11/7/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh): (1). Tình hình trồng rừng phòng hộ năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 - Kết quả trồng rừng phòng hộ năm 2012: 239,6 ha/800 ha (đạt 30% kế hoạch). - Kết quả trồng rừng phòng hộ 6 tháng đầu năm 2013: Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND các huyện trong tổ chức trồng rừng. UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển trồng rừng năm 2013 ngày 03/5/2013 để đôn đốc các chủ đầu tư dự án trồng rừng thực hiện các hạng mục công việc, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết như đất đai, lao động, giống cây trồng để trồng rừng. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn đôn đốc các chủ đầu tư, thường xuyên kiểm tra hàng tháng (từ tháng 5 khi bắt đầu mùa vụ trồng rừng tiến hành kiểm tra 10 – 15 ngày/lần) việc chuẩn bị thực hiện dự án của các chủ đầu tư để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã trồng được 81,5 ha, hiện nay các chủ đầu tư vẫn đang tích cực chỉ đạo các hộ nhận khoán trồng rừng. Mặc dù UBND tỉnh, các Sở, ngành đã quyết liệt chỉ đạo, tuy nhiên khả năng thực hiện năm 2013 ước được 700 ha (đạt 72,3% kế hoạch). (2). Nguyên nhân - Điều kiện trồng rừng phòng hộ ở tỉnh Lai Châu hết sức khó khăn do địa hình cao, xa, độ dốc lớn, ít dân cư, không có đường giao thông. Điều kiện khí hậu thời tiết của Lai Châu chỉ cho phép thực hiện trồng rừng được 1 vụ vào mùa mưa, thời điểm tiến hành các công đoạn chuẩn bị trồng rừng và trồng rừng trùng với mùa vụ của người dân nên khó khăn trong việc vận động các đối tượng nhận khoán trồng rừng. - Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ thấp (tối đa 15 triệu/ha), không bù đắp được chi phí và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Việc tính đơn giá nhân công trong các dự án chỉ mang tính hỗ trợ (khoảng 70.000 – 80.000 đồng/công), thấp hơn nhiều so với nhân công lao động thực tế tại tỉnh (khoảng 150.000 – 200.000 đồng/công). Theo cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, việc nghiệm thu thanh toán thực hiện theo từng công đoạn, tuy nhiên đối với các dự án trồng rừng chỉ được thanh toán khi kết quả nghiệm thu đạt từ 50% trở lên nên các chủ đầu tư không dám ứng tiền cho hộ nhận khoán. Mặt khác không có doanh ngiệp tham gia đấu thầu trồng rừng, chủ yếu do các Ban quản lý đứng ra tổ chức thực hiện huy động lực lượng lao động là nhân dân địa phương trồng rừng. - Vấn đề quản lý đất đai còn nhiều bất cập, đất thực tế đều có chủ nhưng người dân không muốn đưa vào trồng rừng phòng hộ mà để làm nương rẫy. - Từ năm 2011, thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ, việc quản lý các dự án trồng rừng thực hiện theo cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng nên khi điều chỉnh dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc. - Kế hoạch trồng rừng được giao cho UBND các huyện tổ chức thực hiện (năm 2013 giao 968 ha: Tam Đường 50 ha, Phong Thổ 100 ha, Sìn Hồ 200 ha, Tân Uyên 370 ha, Than Uyên 248 ha) nhưng UBND các huyện chưa thật sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, giải quyết thực hiện. (3). Về trách nhiệm của cá cơ quan, đơn vị - Trước hết là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa lường hết được những khó khăn nên việc chỉ đạo, tổ chức xây dựng và thẩm định các dự án trồng rừng phòng hộ chất lượng chưa cao. - Uỷ ban nhân dân các huyện, với trách nhiệm là chủ đầu tư chưa chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng. Đề nghị trong kỳ họp HĐND tới, các huyện cần làm rõ việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư dự án trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng. (4). Về những giải pháp trong thời gian tới - Tiếp tục đôn đốc chỉ đạo các huyện quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã giao. - Rà soát lại các dự án và nâng cao chất lượng lập, thẩm định và xây dựng kế hoạch trong trồng rừng phòng hộ hàng năm đảm bảo tính khả thi. - Tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và công tác khoanh nuôi tái sinh gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo được độ che phủ rừng phòng hộ và hưởng lợi của nhân dân khi nhận khoán bảo vệ rừng. - Tiếp tục thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến lâm sản, hình thành vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến. - Tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi chính sách và cơ chế quản lý đầu tư trồng rừng phòng hộ cho phù hợp với điều kiện của tỉnh Lai Châu. - Đại biểu Tòng Thị Đoan: Cơ bản nhất trí, hy vọng rằng trong thời gian tới, các chỉ tiêu này sẽ hoàn thành theo kế hoạch. - Đại biểu Bùi Từ Thiện hỏi thêm: Trong báo cáo tham luận của Sở Kế hoạch Đầu tư tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ XII, trong đó có nội dung về nguyên nhân không đạt chỉ tiêu trồng rừng: Một số cấp ủy chính quyền các cấp, ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng chưa thực sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức trồng rừng mới; trong lãnh đạo còn có nhận thức sai khác nhau về nhiệm vụ trồng rừng. Vậy nhận định này đúng không? Nếu đúng, yêu cầu chỉ rõ địa chỉ cụ thể của những nơi mà cấp ủy, chính quyền, ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức trồng rừng mới? Làm rõ cấp chưa thực sự quan tâm và nhận thức sai? Biện pháp khắc phục hai nguyên nhân? - Ông Lê Trọng Quảng: Đồng tình với nhận định trên và trả lời về các câu hỏi, cụ thể: Địa chỉ cụ thể: UBND huyện là chủ đầu tư, những huyện nào không hoàn thiện kế hoạch thì địa chỉ là những huyện đó, ngoài ra còn có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với UBND tỉnh chỉ là cơ quan ban hành chính sách. Sự quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án, lên kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện trồng rừng là UBND huyện. Qua 2 năm triển khai, việc trồng rừng hết sức khó khăn, trong đó có cả khách quan và chủ quan, tuy nhiên có những huyện đã hết sức quan tâm nhưng cũng chưa vượt qua được những khó khăn như Tân Uyên, đề nghị HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề cùng với các chuyên gia quản lý về lĩnh vực này để có biện pháp đồng bộ hơn. Hiện nay với điều kiện của tỉnh nên tập trung vào bảo vệ khoanh nuôi tái sinh, việc trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất chỉ thực hiện những nơi có điều kiện. Đồng thời phải gắn với các doanh nghiệp chế biến để tạo ra sản phẩm hàng hóa tạo thu nhập cho người trồng rừng, từ đó thúc đẩy nhân dân tham gia trồng rừng. Tỉnh cần có ý kiến với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh lại cơ chế chính sách như tăng chính sách, đưa ra khỏi cơ chế theo Chỉ thị số 1792 của Thủ tướng Chính phủ. - Đại biểu Bùi Từ Thiện: Việc trồng rừng ở xã Nậm Sỏ huyện Tân Uyên của 2 cá nhân đã thực hiện được trên 30 ha chỉ với chế độ 3 triệu/ha theo chính sách rừng sản xuất, trong khi tỉnh với chế độ 15 triệu/ha nhưng vẫn không thực hiện được. Đề nghị làm rõ thêm vấn đề này. - Đại biểu Dì A Xà: Thời gian gần đây quỹ đất của huyện Phong Thổ chủ yếu dùng để trồng cây cao su, không còn quỹ đất trồng rừng, tại một số xã biên giới như Vàng Ma Chải, Ma Li Chải, Dào San đã có đăng ký trồng rừng nhưng diện tích ít do đó không hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng đã được giao. - Ông Vương Văn Thắng: Đối với huyện Tam Đường, những nơi đai thấp có khả năng trồng rừng thì phần lớn diện tích nhân dân trồng cây ngô, cây ăn quả, còn một phần ít, phân tán nên khó khăn cho việc thiết kế trồng rừng. Đai cao chỉ trồng được cây thông nhưng rất dễ cháy, việc mang cây giống, chọn cây giống, phân bón lên trồng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. - Ông Nguyễn Khắc Chử làm rõ một số nội dung: Thứ nhất hiện nay đang vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư. Thứ hai do ảnh hưởng suy thoái kinh tế các nhà đầu tư khó khăn trong việc vay nguồn vốn. Thứ ba các doanh nghiệp nhận trồng rừng chủ yếu là để có đất kêu gọi vốn đầu tư nhưng trong tình hình khó khăn chung của khu vực và thế giới, không thể kêu gọi được vốn. Về chỉ tiêu trồng rừng 2013 đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cố gắng để đạt đến chỉ tiêu cao nhất, chỉ tiêu còn lại năm 2014 sẽ tiếp tục, đồng thời trong thời gian tới sẽ thành lập Ban chỉ đạo theo yêu cầu của Chính phủ. - Chủ tọa kỳ họp kết luận: Việc trả lời chất vấn và giải trình thêm cơ bản đã rõ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh sớm tham mưu tổ chức đánh giá tình hình trên theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ để có các giải pháp, cơ chế tổ chức thực hiện; có cơ chế chính sách và quyết định đúng đắn. Tin liên quan Tình hình xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận tháng 04 năm 2017(08/05/2017 3:41:00 CH) Tình hình xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận tháng 03 năm 2017(08/05/2017 3:34:59 CH) Tình hình xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận xử lý tháng 02 năm 2017(05/05/2017 2:44:47 CH) Tình hình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tháng 1/2017(04/05/2017 3:20:37 CH) TỔNG HỢP CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ TƯ HĐND TỈNH KHÓA XIV, NHIỆM KỲ 2016 – 2021(10/01/2017 2:14:20 CH) Tin mới nhất Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý nhà nước việc thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề dược ngoài công lập đoạn 2020-2022 trên địa bàn thành phố Lai Châu(03/10/2023 4:50:33 CH) Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV tại xã San Thàng và phường Đông Phong, thành phố Lai Châu.(03/10/2023 4:38:06 CH) Quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026(03/10/2023 10:39:10 SA) BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH HỌP THẨM TRA NỘI DUNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM HĐND TỈNH(02/10/2023 3:59:57 CH) Thông báo Chương trình công tác tháng 9 năm 2023 của Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh(02/10/2023 4:09:47 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |