Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV
Thực hiện Kế hoạch số 154/KH-HĐND, ngày 16/5/2019 của HĐND tỉnh về việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, từ ngày 25/5/2019 đến ngày 10/6/2019 các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại 73 điểm, với 4.384 cử tri tham dự. Sau khi tổng hợp có 27 kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp gửi đến UBND tỉnh. Ngày ngày 19 tháng 7 năm 2019, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 240/BC-UBND về việc giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, BBT Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh đăng tải nội dung trả lời của UBND tỉnh, như sau:
1. Cử tri huyện Than Uyên: - Cử tri xã Tà Mung, Mường Kim kiến nghị: Theo báo cáo trả lời của UBND tỉnh, công trình thủy lợi Nậm Mở đã xong và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý, tuy nhiên công trình chỉ đón nước ở 3 khe vào mùa mưa, mùa khô nước cạn không đủ tưới tiêu, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét, chỉ đạo có giải pháp đảm bảo nước tưới hai vụ cho Nhân dân để nâng cao hiệu quả công trình, tránh lãng phí, tốn kém. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Để bổ sung nước phục vụ sản xuất cho Nhân dân và phát huy hiệu quả của dự án Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh Lai Châu đầu tư bổ sung thêm 400m tuyến kênh, trong đó có bố trí 02 cửa thu nước ở các khe để bổ sung nước vào kênh; 03 điểm đấu nối vào các kênh nhánh thuộc địa phận xã Mường Kim, đã hoàn thành vào ngày 15/4/2019. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh Lai Châu và UBND huyện Than Uyên nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết. - Cử tri các xã của huyện Than Uyên kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn việc thực hiện Điều 17, 18 Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ về chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn, công tác phí, trợ cấp của Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp của Thôn đội trưởng; hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại cho dân quân tự vệ và chế độ thâm niên cho lực lượng dân quân tự vệ. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, phụ cấp của Phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã và thôn đội trưởng (bao gồm cả hỗ trợ 3% bảo hiểm y tế) đang thực hiện theo Nghị quyết số 105/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 của UBND tỉnh. Về chế độ phụ cấp hàng tháng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí cho UBND các huyện, thành phố thực hiện chi trả. Đối với chi phí đi lại cho dân quân tự vệ đã được UBND tỉnh bố trí cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 của UBND tỉnh Lai Châu. Các chế độ công tác phí cho Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã; chi phí đi lại (tiền tàu, xe) cho Dân quân; chế độ phụ cấp thâm niên và đặc thù quốc phòng quân sự đã được quy định chi tiết trong Nghị định số 03/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 18/7/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng Dân quân đầy đủ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và Nghị định số 03/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 24/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó quy định chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách. Trong thời gian tới, sau khi có Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định cụ thể phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với đối tượng trên. - Cử tri công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã huyện Than Uyên kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm có chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Hiện nay Ủy viên Ủy ban Trung ương, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và cấp huyện có chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí theo Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 05 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đối với cấp xã không có chế độ. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Theo quy định tại Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg ngày 28/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì địa phương chỉ quy định hỗ trợ đối tượng cấp tỉnh và cấp huyện, không có quy định đối với các đối tượng cấp xã. Hiện tại, ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa thực hiện hỗ trợ cho đối tượng cấp xã được. - Cử tri các xã Mường Kim, Ta Gia, Khoen On kiến nghị: Theo Đề án trồng mắc ca của tỉnh, yêu cầu lập các dự án trồng rừng, có bước thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở gặp khó khăn nhất định, khó thực hiện, cử tri đề nghị: Đối với diện tích trồng mắc ca tập trung thì thực hiện theo đúng đề án. Đối với số diện tích trồng mắc ca xen chè thì ủy quyền cho UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tại Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Khuyến khích phát triển cây mắc ca tập trung trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2021, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến Đề án đến các xã và thôn bản, lập dự án cho cả giai đoạn 2018-2021 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện Dự án phát triển mắc ca theo Đề án UBND tỉnh đã phê duyệt nhằm đảm bảo thống nhất trong quản lý; phát triển mắc ca trên địa bàn theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án phát triển cây mắc ca tập trung trên địa bàn huyện Than Uyên giai đoạn 2018-2021 tại Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 09/8/2018. Theo nội dung dự án đã phê duyệt thì hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu, diện tích hỗ trợ trồng mắc ca được UBND tỉnh giao, UBND huyện Than Uyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật chi tiết, trình UBND huyện phê duyệt để triển khai thực hiện (gồm cả diện tích trồng thuần và diện tích trồng xen chè). Do vậy, việc phát triển cây mắc ca hàng năm trên địa bàn huyện Than Uyên do UBND huyện phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật để triển khai thực hiện. - Cử tri các xã Mường Cang, Mường Kim kiến nghị: Hiện nay, theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh quy định thực hiện một số nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2018 - 2020, mức hỗ trợ dự án, mô hình từ ngân sách nhà nước tối đa 500 triệu đồng/dự án, mô hình là thấp và khó thực hiện, đề nghị UBND tỉnh nâng lên mức 1 tỷ đồng/dự án, mô hình. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Trong những năm qua, nguồn kinh phí Trung ương cấp cho tỉnh Lai Châu để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giảm dần. Để đảm bảo thực hiện nhiều mô hình trên địa bàn các xã, thị trấn thì mức hỗ trợ 500 triệu/dự án, mô hình là hợp lý. Nếu nâng định mức hỗ trợ lên 01 tỷ đồng/mô hình thì số lượng dự án, mô hình sẽ giảm đi và được thực hiện ở rất ít xã, thị trấn của các huyện. Mặt khác, theo Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định mức hỗ trợ đối với các dự án do các Bộ, cơ quan TW thực hiện tối đa là 500 triệu đồng/dự án. - Cử tri xã Khoen On kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm phối hợp với tỉnh Yên Bái, Sơn La và các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại địa giới của Bản đồ 364 về ranh giới giữa bản Noong Quang, Hua Đán, xã Khoen On với xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; giữa Bản Đốc, xã Khoen On với xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hiện nay khu vực giáp ranh rừng đều do Nhân dân xã Khoen On quản lý chăm sóc nhưng tiền dịch vụ môi trường lại không được hưởng. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, tuyến địa giới hành chính giữa xã Khoen On, huyện Than Uyên với xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La không xảy ra xâm canh, xâm cư, Nhân dân ổn định canh tác, sản xuất nên giữ nguyên hiện trạng quản lý theo đúng đường địa giới hành chính 364-CT. Đối với tuyến địa giới hành chính giữa xã Khoen On với xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang xảy ra việc Nhân dân bản Noong Quang, xã Khoen On đang canh tác, sản xuất trên diện tích thuộc địa giới hành chính xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Thực hiện Dự án 513, Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái chỉ đạo đơn vị thi công phối hợp với UBND các huyện, các xã liên quan của hai tỉnh tổ chức đối soát tính thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính với thực địa. Do Nhân dân đang canh tác ổn định, không có tranh chấp, mâu thuẫn nên UBND các xã giáp ranh của hai tỉnh đã thống nhất giữ nguyên quản lý địa giới theo bản đồ 364-CT, ký xác nhận vào hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Đối với kiến nghị của cử tri về dịch vụ môi trường rừng, đề nghị UBND huyện Than Uyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Khoen On tổ chức rà soát ngoài thực địa, nếu đủ điều kiện thì phối hợp tổ chức làm việc với UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái để đề nghị cho Nhân dân được hưởng dịch vụ môi trường rừng tại khu vực đang canh tác. Trường hợp hai huyện không thống nhất được thì UBND huyện Than Uyên có văn bản báo cáo UBND tỉnh để xem xét, có ý kiến với tỉnh Yên Bái. 2. Cử tri bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng, Thành phố Lai Châu kiến nghị: UBND tỉnh xem xét có chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không đảm bảo về trình độ nhưng không thuộc đối tượng theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Nghị định 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu các đối tượng được giải quyết chế độ một lần, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Chính phủ sửa đổi quy định thời gian giải quyết chế độ một lần cho cán bộ, công chức theo hướng rút ngắn, không để kéo dài 12 tháng như hiện nay. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp tinh giản biên chế như sau: “Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.” Như vậy, trường hợp cán bộ, công chức trình độ đào tạo chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP thì đề nghị Sở Nội vụ giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP. Về thời gian giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội một lần: Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo bảo hiểm xã hội bắt buộc: “Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội”. Như vậy, thời gian 12 tháng mà cử tri đề cập đến là điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không phải là thời gian giải quyết chế độ chính sách của cơ quan có thẩm quyền. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ trong các báo cáo về thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lai Châu để rút ngắn thời gian 1 năm nghỉ việc của cán bộ, công chức để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. 3. Cử tri huyện Tân Uyên - Cử tri các bản, Tổ dân phố thị trấn Tân Uyên kiến nghị: UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí và nâng mức hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa cho các bản, Tổ dân phố sau khi sáp nhập để đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của Nhân dân, hiện tại mức hỗ trợ 150 triệu/01 nhà là thấp, rất khó khăn trong quá trình xây dựng. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: - Kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đã được giao dự toán đầu năm cho UBND các huyện, thành phố tại Quyết định số 1561/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2019. Việc phân bổ kinh phí dựa trên cơ sở phân kỳ thực hiện Đề án số 241-QĐ/TU của Tỉnh uỷ về nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng Đảng bộ tỉnh và khả năng cân đối ngân sách tỉnh; mức hỗ trợ bình quân là 150 triệu/01 nhà văn hóa. - Hiện nay, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, khả năng cân đối ngân sách địa phương để nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa là rất khó khăn. Mặt khác việc bố trí kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố chỉ mang tính chất hỗ trợ, đề nghị UBND huyện tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động Nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp (hiện vật, ngày công...) để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. - Cử tri xã Tà Mít kiến nghị: UBND tỉnh khảo sát làm tuyến đường liên xã từ Trung tâm xã Tà Mít đi bản Nà Phát (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) với chiều dài khoảng 12km. Khi làm tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách từ trung tâm xã Tà Mít ra huyện Tân Uyên còn 35km (hiện nay là 60km); ngoài ra mở tuyến đường còn giúp khai thác diện tích trên 700 ha đất trống, đồi núi trọc chưa khai thác được do không có đường giao thông. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Nội dung kiến nghị của cử tri xã Tà Mít là rất thiết thực. Tuy nhiên, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục dự án này. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Tân Uyên rà soát, lập danh mục dự án đầu tư tuyến đường trên, đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sẽ thực hiện đầu tư khi bố trí được nguồn vốn. - Cử tri bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa kiến nghị: Trong thời gian qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn do Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý không được nạo vét, mương thủy lợi thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất của Nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chuyển giao kinh phí nạo vét kênh mương những công trình do Công ty TNHH một thành viên Quản lý thủy nông Lai Châu quản lý về cho Nhân dân trong bản thực hiện. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri, Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Phúc Khoa gặp trực tiếp cử tri có ý kiến là bà Tạ Thị Liên Bí thư Chi bộ bản Ngọc Lại. Ý kiến của cử tri cụ thể như sau: Kiến nghị Công ty TNHH một thành viên Quản lý thủy nông Lai Châu có kế hoạch sửa chữa tổng 15m nền kênh đầu tuyến kênh Nà Khoang, bản Ngọc Lại bị rò rỉ để đảm bảo cấp nước vụ Đông Xuân 2019-2020). Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông tỉnh đã tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri nêu trên. Do công trình đưa vào sử dụng từ năm 2005 nên việc tuyến kênh bị rò rỉ là khó tránh khỏi. Hiện nay, đang trong mùa mưa và tuyến kênh đang thực hiện việc đảm bảo tưới vụ mùa năm 2019 nên Công ty chưa thể tiến hành sửa chữa. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý thuỷ nông lập kế hoạch và tiến hành sửa chữa khi kết thúc vụ mùa năm 2019. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ghi nhận ý kiến về việc phân bổ kinh phí về UBND huyện đối với việc nạo vét kênh mương. 4. Cử tri xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn kiến nghị: UBND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên chăm sóc học sinh bán trú, để các thầy cô yên tâm công tác. Thực tế các thầy, cô vẫn đang thực hiện nhiệm vụ bán trú, vì tỷ lệ học sinh ở bán trú xã Nậm Manh trên 70%, các cháu còn rất nhỏ học lớp 2, 3 chưa tự chăm lo được cho bản thân, việc chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh bán trú là rất cần thiết. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu, xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành. 5. Cử tri các xã thuộc huyện Sìn Hồ kiến nghị: UBND tỉnh cấp kinh phí cho huyện để sửa chữa nhà văn hóa bản và thực hiện việc tẩm màn, phun diệt muỗi, phòng, chống các dịch bệnh do muỗi gây nên. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: - Về việc cấp kinh phí để sửa chữa nhà văn hoá bản: Hiện nay, điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, khả năng cân đối, bố trí nguồn ngân sách để sửa chữa nhà văn hoá các bản gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Sìn Hồ rà soát, cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hoá để sửa chữa nhà văn hoá các bản trên địa bàn huyện. - Về việc cấp kinh phí thực hiện việc tẩm màn, phun diệt muỗi, phòng chống các dịch bệnh do muỗi gây ra: Theo báo cáo của Sở Y tế, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh do muỗi gây ra chủ yếu là bệnh sốt rét. Hiện nay, huyện Sìn Hồ còn 3 xã trọng điểm về sốt rét gồm: Xà Dề Phìn, Làng Mô, Chăn Nưa. Theo đánh giá của Chương trình phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng quốc gia, tỉnh Lai Châu đã cơ bản loại trừ được bệnh sốt rét. Do đó, các nguồn kinh phí của tổ chức quốc tế viện trợ cho Chương trình phòng chống sốt rét bị cắt giảm; chỉ hỗ trợ việc cấp màn tẩm hóa chất tại một số xã trọng điểm của tỉnh (trong đó có 03 xã của huyện Sìn Hồ nêu trên) để duy trì kết quả phòng chống bệnh sốt rét đã đạt được. 6. Cử tri huyện Phong Thổ kiến nghị - UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí xây dựng nhà văn thôn, bản cho huyện Phong Thổ tăng thêm so với phân bổ hàng năm. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét trong kế hoạch hàng năm. - Cử tri xã Vàng Ma Chải kiến nghị: UBND tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường biên giới từ xã Vàng Ma Chải đi cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng để thuận lợi cho giao thông đi lại của Nhân dân và giao lưu trao đổi hàng hóa. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tuyến đường trên đã được đầu tư từ những năm trước, qua ảnh hưởng của các mùa mưa lũ, nhiều đoạn đã hư hỏng mặt đường, rãnh thoát nước, dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Phong Thổ lập danh mục dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường trên, đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và thực hiện đầu tư khi bố trí được nguồn vốn. - Cử tri xã Mù Sang kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm sớm bố trí vốn để Chủ đầu tư chi trả tiền đền bù cho 13 hộ dân của xã Mù Sang bị ảnh khi thi công trình kè bảo vệ khu vực mốc 69 tuyến biên giới Việt - Trung từ năm 2013, 2014. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Công trình Kè bảo vệ mốc 69(3), huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được Ủy ban Nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2012 hoàn thành năm 2014. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hợp đồng với Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phong Thổ để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB, đơn vị thi công đã chủ động thương thảo với các hộ gia đình có đất nằm trong diện giải tỏa để thi công công trình kịp tiến độ. Do tiến độ lập phương án, dự toán bồi thường GPMB chậm, đến ngày 13/12/2016 Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ mới ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư công trình kè bảo vệ mốc 69(3) với tổng mức bồi thường hỗ trợ tái định cư là 686 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn vốn bố trí cho dự án đến hết năm 2014 là 73,6 tỷ đồng/tổng mức đầu tư của dự án là 75,0 tỷ đồng (từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương). Vì vậy, để giải ngân kế hoạch vốn được giao, chủ đầu tư đã thanh toán cho các gói thầu xây lắp, tư vấn và các chi phí khác... hết số vốn được bố trí. Hiện nay, số kinh phí phân bổ cho dự án vẫn còn thiếu 1,4 tỷ đồng. UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cấp bổ sung cho tỉnh nguồn kinh phí này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời của các Bộ. Khi được Trung ương phân bổ số kinh phí còn lại của dự án, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chi trả ngay tiền đền bù cho các hộ gia đình trên. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đề xuất phương án, báo cáo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh phương án thực hiện trong khi chờ nguồn vốn của Trung ương. - Cử tri xã Nậm Xe, Sin Súi Hồ kiến nghị: UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí làm rãnh thoát nước tuyến đường nhựa từ xã Mường So đi xã Nậm Xe sang xã Sin Súi Hồ về thành phố Lai Châu. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Tuyến đường này thuộc tỉnh lộ 130, hiện nay UBND tỉnh đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Giao thông lập chủ trương đầu tư để đăng ký với Bộ ngành Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư dự án. 7. Cử tri huyện Mường Tè - Cử tri xã Tà Tổng kiến nghị UBND tỉnh: + Kiến nghị 1: Đề nghị UBND tỉnh làm việc, thống nhất với UBND tỉnh Điện Biên về ranh giới giữa hai tỉnh tại khu vực xã Tà Tổng, huyện Mường Tè và xã Huổi Lếch, Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để sớm có phương án giải quyết cụ thể việc tranh chấp đất đai giữa hai bên và ổn định tình hình Nhân dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Ngày 15/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 790/UBND-TH, trong đó giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng chương trình làm việc để giải quyết địa giới hành chính giữa UBND hai tỉnh. Ngày 04/6/2019, Sở Nội vụ ban hành Công văn số 712/SNV-XDCQ gửi Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên để thống nhất thời gian, thành phần, nội dung chương trình làm việc giữa UBND hai tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với UBND tỉnh Điện Biên để thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến địa giới hành chính giữa hai tỉnh (thời gian làm việc dự kiến trong tháng 8 năm 2019). + Kiến nghị 2: Đề nghị quan tâm, ưu tiên đầu tư xây cầu qua suối Nậm Dính, hiện bà con đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo UBND huyện Mường Tè rà soát, nghiên cứu để đưa vào danh mục của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. + Kiến nghị 3: Đề nghị xem xét kỹ việc cấp phép khai thác vàng tại các mỏ nhỏ, lẻ cho tổ chức, cá nhân. Hiện nay công tác quản lý khai thác tại khu vực suối Nậm Kha Á, giáp ranh giữa các xã Tà Tổng, Mường Tè, Mù Cả gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vì lý do tránh lãng phí tài nguyên thì nên thực hiện theo hình thức đấu thầu để người trúng thầu có trách nhiệm và dễ cho việc quản lý. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Khu vực Nậm Kha Á trước đây có 2 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò vàng gốc gồm: - Công ty Cổ phần Khoáng sản Sao Phương Bắc được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2118/GP-BTNMT ngày 23/11/2010); diện tích 90,14 ha; đã hết hạn thăm dò ngày 23/11/2016. - Công ty TNHH Lan Anh được UBND tỉnh cấp phép (Giấy phép thăm dò khoáng sản số 1137/GP-UBND ngày 18/9/2018); diện tích 5,8 ha, thời hạn 6 tháng; đã hết thời hạn thăm dò ngày 18/3/2019. Ngoài 2 tổ chức trên, trong khu vực không có đơn vị nào khác được cấp phép hoạt động khoáng sản. Do các giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực, nên không tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác khoáng sản tại khu vực này. Mỏ vàng khu vực Nậm Kha Á thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương (UBND huyện Mường Tè, UBND các xã: Tà Tổng, Mường Tè, Mù Cả). UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát và có phương án theo quy định. - Cử tri xã Can Hồ kiến nghị: + Kiến nghị 1: Thực hiện chính sách di dân tái định cư dự án thủy điện Lai Châu, để bù lại diện tích canh tác cũ đã bị ngập, chính sách đã đầu tư 02 thủy lợi (Huổi Ngô và Huổi Cưởm, tổng kinh phí đầu tư hơn 26 tỷ đồng) để phục vụ khai hoang, nhưng đến nay Nhân dân chưa tiến hành khai hoang do quy định tại Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ, cử tri đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi đất rừng quy hoạch phòng hộ sang đất sản xuất nông nghiệp cho trên 70ha để Nhân dân có đất sản xuất, ổn định đời sống. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp để UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp - PTNT trình Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. + Kiến nghị 2: Đề nghị xem xét khảo sát, đầu tư bến thuyền phục vụ sản xuất, vì hầu hết đất canh tác của Nhân dân bản Seo Hai và Sì Thâu Chải đều ở bên kia hồ. Hiện nay xã có trên 145 chiếc thuyền nhưng không có bến neo đậu, mùa mưa lũ nước dâng dễ bị trôi thuyền của Nhân dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Việc đầu tư bến thuyền bản Seo Hai và bản Sì Thâu Chải, xã Can Hồ không nằm trong danh mục dự án thành phần thuộc dự án di dân TĐC thuỷ điện Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Mường Tè rà soát, nghiên cứu sự cần thiết đầu tư của dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định. + Kiến nghị 3: Đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư lại nhà văn hóa cho bản Sì Thâu Chải, vì nhà văn hóa đầu tư theo dự án tái định cư trước đây nằm trên nền địa chất yếu, nay đã bị sụt lún, nứt tường, không thể sử dụng được. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Đối với nội dung này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Mường Tè thực hiện rà soát hiện trạng, tình hình sử dụng nhà văn hóa bản Sì Thâu Chải và có phương án xử lý như: Bố trí sử dụng chung nhà văn hóa với các thôn, bản trong lộ trình sáp nhập thôn, bản; nâng cấp, sửa chữa...(nếu cần thiết) từ nguồn cân đối ngân sách huyện. - Cử tri xã Thu Lũm kiến nghị: + Kiến nghị 1: Hiện nay, các hộ dân bị thiếu ruộng để canh tác (chủ yếu là các hộ tách mới), trong khi hầu hết đất của xã đã đưa vào quy hoạch khoanh nuôi, bảo vệ rừng; canh tác trên nương rẫy cũ không năng suất do độ dốc lớn, đất bị rửa trôi không còn màu mỡ. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ khai hoang nương bậc thang (nương có bờ) để vừa canh tác cố định vừa nâng sản lượng lương thực, đảm bảo đời sống cho Nhân dân (Hiện nay UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng nước theo Quyết định 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 nhưng chưa có chính sách hỗ trợ khai hoang nương bậc thang). Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, tại khoản 4, Điều 7, Chương III có quy định về hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, theo đó đã bao gồm cả hỗ trợ đối với nội dung kiến nghị của cử tri. Hiện nay, chính sách này đã được tỉnh triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng để có số liệu chính xác về đất rừng. Mặt khác theo phản ánh của cử tri, đối với diện tích lúa nương do năng suất thấp (khoảng 10 tạ/ha), cử tri có thể đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như Quế, Sơn tra, Mắc ca... + Kiến nghị 2: Bản Á Chè hiện nay có 18 hộ thực hiện chủ trương di, dãn dân ra biên giới, điều kiện của các hộ dân rất khó khăn, thỉnh thoảng dân Trung Quốc có những hành động gây hoang mang tâm lý của Nhân dân, một số hộ dân có ý định quay về nơi ở cũ. Để Nhân dân bản Á Chè bám đất, giữ chủ quyền, yên tâm làm ăn, sản xuất, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các hạng mục thiết yếu, trong đó nhu cầu bức thiết là kéo điện lưới quốc gia về cho dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND huyện Mường Tè khảo sát, đánh giá nhu cầu đầu tư các hạng mục thiết yếu của bản. Riêng dự án cấp điện cho bản Á Chè đã được đưa vào Dự án cấp điện nông thôn từ hệ thống lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu. Hiện nay các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đang làm các thủ tục để bố trí vốn cho dự án. Sau khi được bố trí vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công ty Điện lực Lai Châu triển khai các bước tiếp theo để cấp điện lưới quốc gia cho bản Á Chè. + Kiến nghị 3: Đề nghị UBND tỉnh cho phép Nhân dân tự chủ động sản xuất giống cây Tam thất bản địa, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ sản xuất được giống để có nguồn giống nhân rộng, không phải nhập giống từ bên ngoài để nhân rộng mô hình phát triển cây dược liệu này tại các xã biên giới. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Theo khoản 4, Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu, cây Tam thất bản địa được xem là cây dược liệu địa phương. Mặt khác theo khoản 1, Điều 1 và Điều 8, Quyết định số 35/2008/QĐ-BNN ngày 15/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ quy định: Nông hộ sản xuất giống cây trồng để tự sử dụng hoặc trao đổi trong nội bộ đơn vị hành chính cấp huyện thì không bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về sản xuất theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Pháp lệnh giống cây trồng. Theo các quy định trên thì các hộ dân tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè hoàn toàn đủ điều kiện và tự chủ động sản xuất giống cây Tam thất bản địa. Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí cho các hộ sản xuất cây giống để có nguồn giống nhân rộng, UBND tỉnh ghi nhận nội dung kiến nghị của cử tri, hiện UBND tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến trong tháng 8/2019 và trình HĐND tỉnh tại kỳ họp 11; nội dung kiến nghị của cử tri sẽ được nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt Đề án. - Cử tri bản Mé Gióng, xã Ka Lăng kiến nghị: UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp lại đường nước và lập đề án giãn dân sang phía Tây của bản, hiện nay bản đã có gần 100 hộ, mỗi khi tách hộ, không còn đất để làm nhà, dẫn đến người dân lấn dần vào khu rừng thiêng của bản, chính quyền không kiểm soát được. Nguồn nước chỉ có 1 khe nhưng phục vụ cho cả Đồn Biên phòng, các trường học, trạm y tế, trụ sở xã và bản Mé Gióng, đường nước còn bị dò rỉ gây thất thoát nước dẫn đến không đủ nước sinh hoạt. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Kế hoạch trung hạn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc cân đối nguồn vốn bố trí bổ sung cho dự án mới là rất khó khăn. Ghi nhận ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường quản lý bảo vệ rừng; tiến hành các bước rà soát, xem xét sự cần thiết đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, thực hiện Công văn số 862/BNN-KTHT ngày 14/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã có Báo cáo số 82/BC-UBND ngày 02/4/2019 gửi Bộ Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc giãn dân tại bản Mé Gióng. Khi điều kiện nguồn vốn cho phép, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Mường Tè triển khai dự án. 8. Cử tri xã Sơn Bình, huyện Tam Đường kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, đánh giá lại chủ trương đầu tư công trình Thủy điện Nậm Thi 1, nếu thi công công trình sẽ ảnh hưởng đến môi trường, rừng phòng hộ, nước sản xuất và đời sống của Nhân dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau: Dự án thủy điện Nậm Thi 1 và Nậm Thi 2 được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007, Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà 7.02. Tuy nhiên dự án này nằm trong khu vực dự kiến xây dựng hồ chứa nước Nậm Thi, phải tạm dừng triển khai chờ kết quả khảo sát quy hoạch. Đến tháng 2/2015, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất phương án xây dựng hồ chứa nước Nậm Thi không ảnh hưởng đến dự án thủy điện Nậm Thi 1 và Nậm Thi 2. Nhà đầu tư đã tập trung triển khai đầu tư xây dựng dự án thủy điện Nậm Thi 2 và hoàn thành phát điện vào tháng 8/2018. Dự án thuỷ điện Nậm Thi 1 đang rà soát lại diện tích rừng tự nhiên nên dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm 2021. Về môi trường: Dự án thủy điện Nậm Thi 1 đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 21/8/2015. Về nước sản xuất và đời sống của Nhân dân: Khu vực giữa dự án thủy điện Nậm Thi 1 và Nậm Thi 2 không có công trình thủy lợi, không có hoạt động khai thác nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong thời gian qua, Nhà đầu tư đã chấp hành đúng theo nội dung hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi dự án thủy điện Nậm Thi 1 đủ điều kiện để tiếp tục thi công thì Nhà đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Đầu năm 2019 xã Sơn Bình bị hạn hán kéo dài, nguồn nước của suối Nậm Thi bị giảm nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, việc thi công công trình thủy điện Nậm Thi 1 không phải là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sản xuất và đời sống của Nhân dân./. TT-DN (TH) Tin liên quan Tổng hợp KNCT sau kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XV(17/02/2022 9:02:18 SA) UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh(24/12/2019 4:34:56 CH) Nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các sở, ban, ngành sau kỳ họp thứ mười đến trước kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh khóa XIV(24/12/2019 3:54:42 CH) Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ mười, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV(24/12/2019 3:16:59 CH) Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV(25/07/2019 2:23:54 CH) Tin mới nhất Giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí nâng cấp, sửa chữa tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, giai đoạn 2020-2022(22/09/2023 10:24:06 SA) Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương và các văn bản của Tỉnh ủy(21/09/2023 3:13:22 CH) Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ 18 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV(19/09/2023 8:46:19 SA) Thông báo Lịch Tiếp công dân tháng 9 năm 2023(19/09/2023 8:41:31 SA) Thông báo Lịch Tiếp công dân tháng 8 năm 2023(19/09/2023 8:38:12 SA) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU |
|
Chịu trách nhiệm chính: Trụ sở: Email: Số điện thoại: |
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh - Số điện thoại: 0213.3798.221 Số Fax: 0213.3798.228 ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này |