8200 lượt truy cập
Trang chủ Kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri ĐBQH và HĐND Lai Châu

Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ mười, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV
(Ngày đăng :24/12/2019 3:57:35 CH)


Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh

Thực hiện Công văn số 337/HĐND-VP ngày 27/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khoá XIV, ngày 04/10/2019 Uỷ ban nhân dân tỉnh có Báo cáo số 338/BC-UBND về giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ mười, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, BBT Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh đăng tải nội dung trả lời của UBND tỉnh, như sau:

1. Cử tri huyện Than Uyên:

- Cử tri Hua Nà, Mường Cang kiến nghị: Tại Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã quy định: “Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng” tuy nhiên đến nay chưa thấy tỉnh triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh xem xét sớm triển khai thực hiện để đảm bảo chế độ chính sách cho đối tượng có liên quan.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Hàng năm, căn cứ Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán của Bộ Tài chính, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch. Đồng thời, Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước. Theo đó, yêu cầu trong quá trình lập dự toán đề nghị các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố chủ động dự kiến đầy đủ các nhu cầu kinh phí, thực hiện chính sách chế độ, nhiệm vụ mới (nếu có); không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các chế độ, chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định, hạn chế trình bổ sung kinh phí trong năm. Tuy nhiên các huyện, thành phố chưa thực hiện báo cáo, tổng hợp dự kiến từ cơ sở về số đối tượng và nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại khoản 4, Điều 7, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, do đó Sở Tài chính chưa có căn cứ để tham mưu trình UBND tỉnh giao dự toán ngay từ đầu năm để thực hiện.

Trong thời gian tới, để đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho đối tượng có liên quan theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành liên quan tham mưu, bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố từ nguồn cải cách tiền lương.

- Cử tri xã Mường Than kiến nghị: UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 (Mường Than được ghi 03 danh mục từ năm 2016 đến nay chưa được phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện, trong khi Đề án sắp kết thúc giai đoạn).

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ Quyết định 1232/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020 trong đó xã Mường Than được phê duyệt các danh mục sau:

- Đường trục chính cánh đồng Mường Than: Tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

- Giao thông nội đồng: Tổng mức đầu tư 3.165 triệu đồng.

- Kiên cố hoá kênh mương: Tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

Đối với danh mục Đường trục chính cánh đồng Mường Than và Kiên cố hoá kênh mương. Sử dụng nguồn vốn ODA, tuy nhiên do Chính phủ Việt Nam chưa ký kết được với Chính phủ Nhật Bản nên chưa có nguồn vốn để bố trí.

Đối với danh mục giao thông nội đồng: Trong thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn trong khả năng cân đối để triển khai thực hiện.

 - Cử tri các xã: Mường Cang, Mường Than, Phúc Than kiến nghị: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dự án giai đoạn 2008 - 2011 (Thời điểm đó có Công ty TNHH Tứ Duy - Thịnh Đạt Hà Nội thực hiện đo đạc, xây dựng bản đồ, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, quy chủ, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2134/2008/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 của UBND tỉnh Lai Châu), dự án đã kết thúc nhưng còn nhiều bất cập như sau: Trong cùng bản có hộ được đo, có hộ không được đo; hộ được cấp, hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều hộ được cấp sổ nhưng thông tin sai lệch so với thực tế. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh xem xét rà soát tổng thể đất đai để chỉnh lý phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008, trong đó xác định “phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy CNQSD đất trên phạm vi toàn quốc”; theo đó ngày 12/12/2008, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015 tại Quyết định số 2059/QĐ-UBND để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đến năm 2013 toàn tỉnh đã cấp được 107.880 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 375.310,94 ha, nâng tỷ lệ diện tích được cấp giấy chứng nhận lên 91,77%, gấp 1,4 lần tổng diện tích đất đã cấp từ năm 2012 trở về trước.

Để đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã. Tuy nhiên hiện nay, qua quá trình sử dụng đất đã phát hiện có một số trường hợp sai sót, chưa đảm bảo trong việc cấp giấy chứng nhận như cử tri nêu. Nguyên nhân là do công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Than Uyên nói riêng phải thực hiện với khối lượng lớn, thời gian thực hiện ngắn; công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính xã hội, do vậy trong đo đạc có cho phép sai số theo quy định; trong quá trình sử dụng đất đã có nhiều biến động; ranh giới một số thửa đất không rõ ràng; dự án chỉ tập trung đo đạc đối với các loại đất chính (đất ở, đất chuyên dùng, đất chuyên trồng lúa nước và một phần đất nương rẫy tập trung); cán bộ của một số đơn vị tư vấn trong công tác đo đạc chưa đảm bảo, còn yếu kém; Hội đồng xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cấp xã, thẩm định cấp huyện thực hiện chưa chặt chẽ.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có huyện Than Uyên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 07/02/2018 để chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận và cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Thiết kế kỹ thuật – dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Than Uyên theo Công văn số 1984/UBND-KTN ngày 11/9/2019, trong đó có nhiệm vụ rà soát, cập nhật chỉnh lý biến động toàn bộ hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ cho người sử dụng đất theo quy định.

- Cử tri Thị trấn Than Uyên kiến nghị: Hiện nay Đài Truyền thanh -Truyền hình huyện Than Uyên chưa được lắp hệ thống truyền hình kỹ thuật số, Nhân dân khó tiếp cận được với kênh truyền hình của tỉnh, huyện, đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư lắp đặt hệ thống truyền hình số cho huyện Than Uyên để phục vụ Nhân dân trên địa bàn huyện xem truyền hình của tỉnh, của huyện được tốt hơn.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 481/KH-UBND ngày 23/3/2016 về thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch: "Xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi 100% các kênh truyền hình sử dụng công nghệ truyền dẫn, phát sóng tương tự sang công nghệ kỹ thuật số tại tỉnh Lai Châu trước ngày 31/12/2020".

Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT rà soát, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn lực đầu tư lắp đặt hệ thống truyền hình số trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Cử tri các xã Mường Kim, Mường Cang, Phúc Than, Thị trấn, Hua Nà, Ta Gia, Mường Than, Mường Mít , huyện Than Uyên kiến nghị: UBND sớm ban hành quy định mức phụ cấp hàng tháng cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản sau khi sáp nhập.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Sau khi có Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. Trước mắt, số lượng, chức danh, mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố thực hiện bố trí theo Nghị quyết số 105/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh.

2. Cử tri huyện Nậm Nhùn

- Cử tri bản Nậm Vạc, xã Nậm Ban kiến nghị: UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng cầu Hát Xum qua sông Nậm Na cho Nhân dân 2 bản: Nậm Vạc 1 và Nậm Vạc 2 để thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân vào mùa mưa lũ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị của cử tri xã Nậm Ban là rất thiết thực, tuy nhiên kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục dự án này. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Nậm Nhùn lập danh mục dự án đầu tư cầu treo qua sông, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện đầu tư khi có kế hoạch vốn.

3. Cử tri Thành phố Lai Châu

- Cử tri tổ dân phố số 10, phường Tân Phong kiến nghị: UBND tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch khu đất Thư viện tỉnh đã rất lâu chưa hoàn thiện xong. Ý kiến này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần và đã được trả lời sẽ tiếp tục hoàn thiện, tuy nhiên Dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân trong khu vực, cử tri tiếp tục kiến nghị để sớm được giải quyết dứt điểm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Khu đất quy hoạch Thư viện tỉnh đã được UBND tỉnh giao cho Thư viện tỉnh để thực hiện dự án xây dựng Thư viện tỉnh tại Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 18/3/2008. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí nên Thư viện tỉnh không triển khai thực hiện, vì vậy UBND tỉnh đã điều chỉnh sang đất ở đô thị tại Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Lai Châu.

- Cử tri phường Đông Phong kiến nghị:

+ Cử tri tổ 22 kiến nghị: UBND tỉnh sớm ban hành Quy định mới về giá bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất và tài sản, vật kiến trúc trên đất cho phù hợp, vì thực tế, nhiều năm nay chưa có thay đổi về giá, giá thu hồi 35.000 đồng/1m 2 là quá thấp.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

- Đối với đơn giá bồi thường về nhà, công trình xây dựng trên đất, cây trồng, vật nuôi và các tài sản khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất đã được UBND tỉnh ban hành mới tại Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 (thay thế đơn giá bồi thường quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của UBND tỉnh Lai Châu), cơ bản đảm bảo phù hợp với tình hình tại địa phương;

- Đối với giá đất để tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đã được UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất cho từng dự án đảm bảo theo quy định tại khoản 2, Điều 74 và điểm đ, khoản 4, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố điều tra, xây dựng Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 cơ bản sát với giá đất phổ biến trên thị trường để áp dụng từ năm 2020.

+ Cử tri tổ 23 kiến nghị: Khu đất 2ha quây tôn xanh đối diện Chợ, Bến xe khách tỉnh là khu đất vàng nhưng bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, rất lãng phí, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc quản lý đất đai khu vực này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, ngày 06/6/2019 UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu UBND tỉnh phương án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tuy nhiên, khu đất này đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khách sạn và tổ hợp thương mại dịch vụ cho Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải tại Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 02/11/2017, với thời hạn hoạt động dự án 50 năm. Do vậy, để có cơ sở thu hồi đất, tổ chức đấu giá theo quy định, ngày 21/6/2019 UBND tỉnh đã có Văn bản số 1122/UBND-KTN giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và UBND thành phố Lai Châu tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chấm dứt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 02/11/2017 của UBND tỉnh. Đến ngày 13/8/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo chấm dứt hoạt động dự án xây dựng khách sạn và tổ hợp thương mại dịch vụ tại Thông báo số 1166/TB-SKHĐT. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh thu hồi khu đất này để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lai Châu quản lý, lập phương án đấu giá theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

4. Cử tri huyện Phong Thổ

- Cử tri xã Lản Nhì Thàng kiến nghị: UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện hỗ trợ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020 đồng bộ với thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Vì hiện nay, thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ và Hướng dẫn số 2275/UBND-TH ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Lai Châu, công trình dưới 5 tỷ có thiết kế mẫu thì áp dụng cơ chế đặc thù, các công trình MTQG giảm nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí làm đường nhưng chương trình MTQG nông thôn mới chỉ được hỗ trợ vật liệu và nền đường, không được hỗ trợ nhân công. Như vậy cùng nguồn vốn nhưng không đồng bộ nên khó khăn trong triển khai thực hiện.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ và Hướng dẫn số 2275/UBND-TH ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Lai Châu; 02 văn bản này, quy định và hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, trong đó áp dụng cho cả chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020; không có nội dung không đồng bộ, cũng như việc ban hành thêm văn bản quy định, hướng dẫn là không cần thiết. Tuy nhiên, để trả lời khó khăn của cử tri trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh giải đáp như sau:

(1) Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ và Hướng dẫn số 2275/UBND-TH ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Lai Châu quy định:

- Dự án đảm bảo các tiêu chí dự án nhóm C quy mô nhỏ được quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ được thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng; triển khai thực hiện theo Hướng dẫn số 2275/UBND-TH ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Lai Châu.

- Dự án không đảm bảo các tiêu chí dự án nhóm C quy mô nhỏ được quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ, việc quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế thông thường; việc triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn hiện hành.

(2) Trường hợp dự án đầu tư không có khoản đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư (ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100%), việc quản lý đầu tư xây dựng được thực hiện theo cơ chế thông thường như nội dung đã nêu trên; không phân biệt chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hay giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020.

(3) Các khoản đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư giữa chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 có sự khác nhau:

Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 nói chung, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 nói riêng, không quy định bắt buộc các khoản đóng góp từ cộng đồng dân cư; tuy nhiên, theo từng dự án, nội dung cụ thể, để đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện chương trình thì được phép huy động từ cộng đồng dân cư nhưng thực hiện trên tinh thần tự nguyện, hợp lý, có tính đến đặc điểm kinh tế xã hội, mức độ khó khăn của từng địa phương (quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016, số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016). Do vậy, mức đóng góp của cộng đồng dân cư có khác nhau ở mỗi chương trình, dự án và mỗi địa phương.

- Cử tri xã Mù Sang kiến nghị:

+ UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn xây dựng kè cột mốc 68.2, do phía Trung Quốc đã xây dựng kè làm thay đổi dòng chảy, hiện nay dòng nước đang xói mòn sang phía ta, nguy cơ làm sạt lở cột mốc nêu trên.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Hiện tại UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuât xây dựng công trình Kè gia cố chân cột mốc giới số 68(2) huyện Phong Thổ tại Quyết định số 640/QĐ-UBND ngày 19/6/2019. Dự kiến khởi công đầu tư xây dựng trong Quý IV năm 2019.

+ UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Chính phủ tăng thêm mức vốn vay hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/TTg, ngày 10/82015 của Thủ tướng Chính phủ, với mức vay hiện nay 25 triệu đồng/hộ người dân khó làm được nhà do không được khai thác gỗ rừng làm nhà ở.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện từ năm 2016 với hình thức cho hộ nghèo vay vốn sửa chữa, làm mới nhà ở bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vốn vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ.

Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện chương trình, cơ bản các hộ nghèo
thuộc diện được thụ hưởng chính sách đã tham gia đăng ký vay vốn làm nhà ở theo quy định. Tuy nhiên đại đa số ý kiến hộ nghèo cho rằng với mức vốn vay tối đa 25 triệu đồng/hộ quá ít, không đủ để làm căn nhà đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Xây dựng. Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các huyện đều kiến nghị tỉnh đề xuất Trung ương tăng mức vốn vay lên 50-60 triệu đồng/hộ. Xuất phát từ kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ và Bộ ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ cho vay tối đa từ 25 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ (tại các Báo cáo: Số 1039/BC-BCĐ ngày 27/12/2016; số 01/BC-BĐP ngày 05/01/2018 của Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; số 272/BC-UBND ngày 29/9/2017).

Chương trình còn hơn 1 năm triển khai thực hiện (đến hết năm 2020), do đó việc tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chương trình và điều chỉnh mức hỗ trợ hiện các địa phương đang chờ hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương. Để đảm bảo việc triển khai Chương trình đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra, đề nghị các huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

+ UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh giảm mức lãi suất vốn vay theo chương trình “Nước sạch vệ sinh, môi trường” bằng lãi suất vay hộ nghèo để tạo điều kiện cho Nhân dân vay vốn. Với mức lãi suất 0,75%/tháng như hiện nay ngang bằng với mức lãi suất kinh doanh, các hộ nghèo muốn được vay vốn nhưng không có khả năng trả lãi suất.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu, sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu trong thời gian tới.

- Cử tri xã Mồ Sì San kiến nghị : UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn nâng cấp tuyến đường từ xã Dào San đến Sì Lở Lầu để thuận lợi cho giao thông đi lại của Nhân dân và giao lưu trao đổi hàng hóa. Hiện nay tuyến đường đã xuống cấp, sạt lở nhiều chỗ khó khăn cho việc đi lại của Nhân dân, đặc biệt vào mùa mưa.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Tuyến đường trên đã được đầu tư từ những năm trước, qua ảnh hưởng của các mùa mưa lũ, nhiều đoạn đã hư hỏng mặt đường, rãnh thoát nước, dẫn đến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Phong Thổ nghiên cứu, lập danh mục dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường trên, đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và thực hiện đầu tư khi bố trí được nguồn vốn.

5. Cử tri huyện Mường Tè

- Cử tri xã Mường Tè kiến nghị: Để tạo điều kiện thuận lợi cho con em các xã: Mường Tè, Pa Ủ, Nậm Khao, Tà Tổng đi học, trước đây đã có dự kiến vị trí quy hoạch đầu tư xây dựng Trường THPT tại khu vực cụm các xã trên, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét xây dựng Trường THPT tại xã Mường Tè.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay trên địa bàn huyện Mường Tè đã có 3 trường cấp THPT (Trường THPT Mường Tè, Trường PTDTNT huyện Mường Tè, Trường THPT DTNT Ka Lăng) và 1 Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Trong những năm qua các trường hiện có trên địa bàn huyện tuyển sinh đáp ứng đủ 100% nhu cầu học cấp THPT của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Mặt khác, học sinh tại các xã Mường Tè, Pa Ủ, Nậm Khao, Tà Tổng đi học THPT tại đều đã được hưởng chế độ nội trú, bán trú. Do đó, thời điểm hiện tại chưa cần thiết phải đầu tư thêm trường THPT tại xã Mường Tè.

Đề nghị UBND huyện Mường Tè tiếp tục rà soát nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trên toàn huyện, đánh giá làm rõ sự cần thiết đầu tư Trường THPT tại xã Mường Tè, báo cáo UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

- Cử tri xã Tá Bạ kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho phương án sắp xếp, ổn định dân cư hai bản Là Xi, Nhóm Bố để Nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Dự án sắp xếp ổn định dân cư hai bản Là Xi và bản Nhóm Pố, xã Tá Bạ đã được đầu tư giai đoạn I thi công hạng mục đường giao thông vào đến bản và mặt bằng. Chủ đầu tư là UBND huyện Mường Tè, Ban quản lý CTDA PTKTXH huyện quản lý thực hiện;

Sau khi rà soát tổng thể các dự án, chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban nhân dân tỉnh có Báo cáo số 291/BC-UBND ngày 28/8/2019 về rà soát và đề xuất danh mục dự án bố trí ổn định dân cư thực hiện trong năm 2019-2020, trong đó có dự án trên, trình các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn;

Do vậy, sau khi được các Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, được bố trí bổ sung nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện dự án.

- Cử tri xã Mù Cả kiến nghị:

+ Hiện nay, ý thức bảo vệ rừng của Nhân dân ngày một nâng lên, diện tích rừng ngày càng tăng, diện tích canh tác dần bị thu hẹp, để Nhân dân bảo vệ tốt tài nguyên rừng, dùng tiền dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo đủ lương thực, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các Tập đoàn, Công ty có dự án thủy điện trên địa bàn tăng tiền dịch vụ môi trường rừng để Nhân dân đảm bảo cuộc sống nhờ bảo vệ rừng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kWh điện thương phẩm.

Về điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, tại khoản 6 Điều 59 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định: Khi giá bán lẻ điện bình quân chung biến động tăng hoặc giảm 20%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tương ứng.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đến nay, giá bán lẻ điện bình quân đã được Bộ Công Thương điều chỉnh với mức điều chỉnh tăng 8,3% so với giá bán lẻ điện bình quân cũ. Do đó việc điều chỉnh giá điện chưa đủ điều kiện để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

+ UBND tỉnh bố trí vốn xây kè chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư cho bản Gia Tè, hiện nay bản có nguy cơ sạt lở cao.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Để có phương án bảo vệ khu dân cư bản Gia Tè xã Mù Cả đang có nguy cơ bị sạt lở, các cơ quan chức năng của UBND huyện Mường Tè đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án xử lý. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ xem xét phương án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư bản Gia Tè. Trước mắt để đảm bảo an toàn tài sản, con người đề nghị UBND huyện Mường Tè thường xuyên kiểm tra, cảnh báo, di dời khi tình huống xấu xảy ra.

+ UBND tỉnh có chế độ đặc thù riêng về hỗ trợ giống trâu, bò cho các hộ nghèo bản Mò Su (bản di dân ra biên giới theo chủ trương của Nhà nước); vì bản Mò Su là khu vực toàn rừng đặc dụng, Nhân dân không có nương rẫy để canh tác, ruộng nước thiếu nên cần phát triển chăn nuôi để Nhân dân đảm bảo đời sống.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

- Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Quy định thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2018-2020, trong đó: Hỗ trợ giống gia súc: Hỗ trợ 01 lần giá giống, tối đa 10 triệu đồng/hộ; hình thức hỗ trợ theo hộ hoặc nhóm hộ; chỉ hỗ trợ cho những hộ trong giai đoạn 2016-2020 chưa được hỗ trợ.

- Theo chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp Hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc: Hỗ trợ chuồng trại: Xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi tập trung theo dự án được Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Hỗ trợ tạo mặt bằng khu chuồng trại chăn nuôi tập trung: Tối đa 500 triệu/ha và không quá 20m2/hộ; Hỗ trợ làm chuồng: 2 triệu đồng/hộ; Hỗ trợ (một lần) kinh phí mua giống cỏ: 3.000 đồng/m2; tối đa 500m2/hộ.

- Theo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016-2020: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, hỗ trợ 100% lãi suất đối với hộ nghèo, vay tối đa 15 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 50% lãi suất đối với hộ không thuộc diện hộ nghèo, vay tối đa 25 triệu đồng/hộ.

Đề nghị UBND huyện Mường Tè quan tâm, chỉ đạo cơ quan lồng ghép các chương trình, dự án … để đảm bảo đủ kinh phí mua trâu, bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo bản Mò Su như kiến nghị của cử tri.

- Cử tri xã Bum Nưa kiến nghị:

+ Để đảm bảo diện tích trồng lúa hiện có của xã, khắc phục diện tích bị cuốn trôi, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát và đầu tư kè kiên cố lại cánh đồng Nà Cang và Nà Luồng để Nhân dân yên tâm sản xuất.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Kè bảo vệ cánh đồng Nà Cang đã được đầu tư kè rọ đá, mố nhô bê tông cốt thép, để bảo vệ diện tích đất sản xuất cánh đồng Nà Cang năm 2017, tuy nhiên, tháng 6 năm 2019, mưa lũ đã làm cuốn trôi, vùi lấp toàn bộ hệ thống kè. Việc đầu tư xây dựng kè kiên cố cánh đồng Nà Cang, Nà Luồng cần vốn đầu tư lớn trong khi nguồn vốn đầu tư còn khó khăn. Hiện tại, UBND huyện Mường Tè đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện hỗ trợ rọ thép khắc phục tạm để Nhân dân đảm bảo sản xuất.

+ UBND tỉnh sớm xem xét, bố trí kinh phí để san ủi mặt bằng cho Nhân dân hai bản Nà Hừ 1 và Nà Hừ 2 chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống, do đất chật, người đông, sau mưa lũ vừa qua một số hộ hiện nay không có chỗ ở, xã đã tìm được địa điểm và được Nhân dân hai bản trên nhất trí.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Dự án Sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai bản Nà Hừ 1,2; Phiêng Kham, bản Bum xã Bum Nưa huyện Mường Tè. Trong đó, có 02 bản Nà Hừ 1 và Nà Hừ 2, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã rà soát và đề xuất danh mục dự án bố trí ổn định dân cư thực hiện trong năm 2019-2020, trình các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn (tại Báo cáo số 291/BC-UBND ngày 28/8/2019). Do vậy, sau khi được các Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, được bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện dự án.

6. Cử tri huyện Sìn Hồ kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Thành phố Lai Châu - Sìn Hồ để Nhân dân đi lại thuận tiện.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu và đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường trên.

7. Cử tri xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ và xã Tá Bạ, huyện Mường Tè kiến nghị: UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ quan tâm bố trí vốn mở tuyến đường biên giới (hiện nay là đường mòn) từ cột mốc 80 đến cột mốc 81.1, 81.2 huyện Phong Thổ và 13 km đường biên giới thuộc xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (hiện nay chưa có đường) để thuận lợi cho việc đi lại tuần tra biên giới, bảo vệ chủ quyền của quốc gia.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời như sau:

Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.

Tổng hợp

Tin liên quan

Tổng hợp KNCT sau kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XV(17/02/2022 9:02:18 SA)

UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh(24/12/2019 4:34:56 CH)

Nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các sở, ban, ngành sau kỳ họp thứ mười đến trước kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh khóa XIV(24/12/2019 3:54:42 CH)

Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ mười, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV(24/12/2019 3:16:59 CH)

Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV(25/07/2019 2:23:54 CH)

Tin mới nhất

Giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí nâng cấp, sửa chữa tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, giai đoạn 2020-2022(22/09/2023 10:24:06 SA)

Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương và các văn bản của Tỉnh ủy(21/09/2023 3:13:22 CH)

Kế hoạch tổ chức kỳ họp thứ 18 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV(19/09/2023 8:46:19 SA)

Thông báo Lịch Tiếp công dân tháng 9 năm 2023(19/09/2023 8:41:31 SA)

Thông báo Lịch Tiếp công dân tháng 8 năm 2023(19/09/2023 8:38:12 SA)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này