27416 lượt truy cập
Trang chủ Hướng tới kỷ niệm 70 năm ĐBQH và HĐND Lai Châu

THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN THƯỜNG TRỰC UỶ BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH VỚI ĐOÀN ĐBQH TỈNH VỀ HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Ngày đăng :31/12/2015 8:17:15 CH)


Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ký kết quy chế phối hợp

Tại Hội nghị Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam và tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh có bài tham luận về thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Đoàn ĐBQH tỉnh về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đăng toàn văn tham luận 

Tiếp xúc cử tri là hoạt động đặc trưng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng của đại biểu Quốc hội, giúp cho đại biểu Quốc hội trực tiếp tìm hiểu, thu thập, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội và với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo kết quả hoạt động của Quốc hội và của bản thân mỗi đại biểu với cử tri, qua đó người đại biểu Quốc hội thực hiện quá trình dân chủ hoá trực tiếp với nhân dân.

Điều 11 Nghị quyết liên tịch số 525 ngày 27/9/2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” đã xác định vai trò, trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với 5 nội dung gồm: MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; Tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh; tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội; Hướng dẫn Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để cử tri góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu Quốc hội đã hứa trước cử tri. Các nhiệm vụ này cũng đã được cụ thể hoá vào Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua (từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2015), Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh Lai Châu đã thực hiện nghiêm túc, thực hiện có kết quả các nội dung đã được quy định trong Nghị quyết liên tịch số 525 và Quy chế phối hợp công tác trong việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Kết quả cụ thể được thể hiện như sau:

Thứ nhất, hằng năm - vào dịp cuối năm cũ hoặc sang đầu một năm mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều có hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, của HĐND.

Thứ hai, ngay từ khâu chuẩn bị ban đầu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có sự phối hợp đồng bộ với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội: khi nhận được kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH, MTTQ cấp tỉnh đã chủ động ban hành công văn hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, như: phối hợp chuẩn bị về địa điểm, chọn người phục vụ, người dẫn chương trình, người ghi ý kiến … Đồng thời, phân công các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia cùng các vị đại biểu Quốc hội đến từng điểm tiếp xúc cử tri.

Để cho một buổi tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả thì công tác chuẩn bị là rất quan trọng, việc bố trí địa điểm, không gian, không khí, … diễn ra hội nghị phải nghiêm túc, nghiêm trang; cử tri đến dự cần phải có chỗ ngồi, có nước uống … Tuy nhiên trong thực tế, những năm đầu của nhiệm kỳ có nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, thiếu thốn. Có những xã phải tổ chức nhờ nhà dân, hoặc nhà văn hóa của thôn, bản, có khi hội trường rất là hẹp, nên số lượng cử tri tham dự cuộc tiếp xúc không được đông đủ như kế hoạch.

Sự phối hợp đồng bộ không chỉ giữa Mặt trận Tổ quốc với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, mà còn là giữa Mặt trận cấp trên với Mặt trận cấp dưới. Qua kinh nghiệm thực tế thấy rằng, nếu như Mặt trận cấp trên không chủ động, không kiểm tra công tác chuẩn bị ở cấp dưới thì nhiều khi buổi tiếp xúc cử tri không được chuẩn bị đầy đủ, có khi cử tri đến rất ít; hoặc các cơ quan chức năng cần phải tham dự để giải trình thêm chuyên môn của mình mà không có mặt ...

Thứ ba, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động trong việc tổng hợp các ý kiến của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri cũng như ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, dư luận của xã hội để chuyển đến Đoàn ĐBQH và phản ánh với các cấp uỷ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Kết quả tổng hợp cho thấy, từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2015, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức thành công 19 hội nghị để Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Lai Châu tiếp xúc cử tri tại trên 160 điểm (tại mỗi xã, phường, thị trấn được ít nhất một lần, có những xã, phường, thị trấn được 2 lần/nhiệm kỳ của Quốc hội), với trên 13.000 lượt cử tri tham dự. Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổng hợp được gần 1.500 ý kiến của cử tri và Nhân dân, trong đó có 192 ý kiến đề nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và 213 ý kiến đề nghị với Tỉnh xem xét, cho ý kiến, trả lời về các chế độ, chính sách đối với Nhân dân, đồng bào dân tộc, miền núi và đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác cũng như đã nghỉ chế độ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Toàn bộ các ý kiến, vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng đổi mới, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Số điểm tiếp xúc còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri, đại biểu chưa nắm bắt, thu thập hết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Các cuộc tiếp xúc cử tri thường chỉ được tổ chức trước và sau kỳ họp, việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực còn hạn chế. Số lượng cử tri tham gia tại các hội nghị tiếp xúc cử tri còn hạn chế, thường là dưới 50 đại diện cử tri. Công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Công tác giám sát, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc chưa kịp thời hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số đại biểu và cơ quan chức năng ở địa phương có khi còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, một số nơi chưa quan tâm thông tin kịp thời về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị để thông báo tới cử tri, nên có ý kiến lặp lại nhiều lần…

Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu luôn xác định: vai trò của Mặt trận là chủ động và phối hợp một cách đồng bộ với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cũng như với các ngành, các cấp; đồng thời, mỗi cán bộ Mặt trận phải nắm vững các kiến thức pháp luật quy định về tiếp xúc cử tri cũng như quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong phối hợp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận nâng cao có kỹ năng, chuyên môn để góp phần nâng chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngày càng tốt hơn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh một số nội dung sau:

  1. Công tác xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri phù hợp: kế hoạch tiếp xúc cử tri phải được xây dựng sớm để có thời gian chuẩn bị chu đáo. Căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri cho phù hợp và có hiệu quả. Các cuộc tiếp xúc cử tri cần kết thúc sớm hơn nữa so với thời gian vừa qua, nhất là các hội nghị tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp của Quốc hội, của HĐND, để Mặt trận Tổ quốc có thời gian tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân gửi tới các cơ quan có thẩm quyền kịp trước khi kỳ họp của Quốc hội, của HĐND diễn ra.
  2.  Tăng số điểm tiếp xúc cử tri: mỗi điểm tiếp xúc nên có ít nhất là 2 đại biểu Quốc hội và có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và một số phòng, ban để ghi nhận và trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri. Có thể kết hợp để đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã cùng tiếp xúc cử tri rồi tổng hợp, phân loại ý kiến để xử lý. Đối với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tổ chức tiếp xúc cử tri gặp trở ngại do cử tri chưa thông thạo tiếng phổ thông nên khó khăn trong việc diễn đạt tâm tư, nguyện vọng của mình. Ở những khu vực này, đề nghị đại biểu Quốc hội nên thường xuyên xuống tận các thôn, bản, kết hợp với công tác chuyên môn để có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu, tổng hợp đầy đủ tình hình thực tế ở cơ sở. Nếu có thể, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (là người Kinh) cũng nên học tiếng của đồng bào thiểu số ở khu vực ứng cử để có thể trực tiếp nghe cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Có như vậy, cầu nối giữa đại biểu và cử tri mới thực sự có tác dụng.
  3. Các cuộc tiếp xúc cử tri đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu, không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri, đại biểu còn phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu; ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải thích rõ ràng. Không chỉ “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, đại biểu phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau: vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri. Đồng thời, những ý kiến trả lời của các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nên có văn bản trả lời cử tri, đồng thời gửi cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để có điều kiện theo dõi, tổng hợp và giám sát các hoạt động của đại biểu.
  4. Nên xem xét đổi mới phương pháp báo cáo với cử tri về các nội dung của kỳ họp Quốc hội, nhất là đối với những hội nghị tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp. Vì, nội dung các kỳ họp của Quốc hội, rất nhiều cử tri đã có sự theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng (chỉ chọn những vấn đề thật quan trọng, cần thiết). Cần bổ sung nội dung mà cử tri quan tâm là những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đã đề nghị trước kỳ họp (và cả những ý kiến cử tri đã đề nghị tại các hội nghị tiếp xúc cử tri lần trước tại địa phương) chưa được trả lời, đến cuộc tiếp xúc cử tri lần này đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh trả lời, giải quyết như thế nào./.

 

                                                                                                                                                 UBMTTQ

 

 

Tin liên quan

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TỔ CHỨC TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2011 - 2016; GẶP MẶT KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (06/01/1946 - 06/01/2016)(05/01/2016 4:29:27 CH)

PHÁT HUY VAI TRÒ TRONG THAM MƯU, PHỤC VỤ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH(31/12/2015 8:58:43 SA)

THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN THƯỜNG TRỰC UỶ BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH VỚI ĐOÀN ĐBQH TỈNH VỀ HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI(31/12/2015 8:52:20 SA)

BÀI PHỎNG VẤN ĐỒNG CHÍ CHU LÊ CHINH NHÂN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM(31/12/2015 8:42:49 SA)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH LAI CHÂU: TỪ NGHỊ TRƯỜNG ĐẾN THỰC TẾ(31/12/2015 8:34:20 SA)

Tin mới nhất

Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023 tại huyện Nậm Nhùn(31/05/2023 11:34:41 SA)

Đồng chí Chu Lê Chinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh tại huyện Nậm Nhùn(31/05/2023 11:30:22 SA)

Tiếp xúc cử tri tại huyện Nậm Nhùn(30/05/2023 8:32:35 SA)

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 5 năm 2023(29/05/2023 6:12:20 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này