19423 lượt truy cập
Trang chủ Hướng tới kỷ niệm 70 năm ĐBQH và HĐND Lai Châu

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH LAI CHÂU: TỪ NGHỊ TRƯỜNG ĐẾN THỰC TẾ
(Ngày đăng :31/12/2015 8:03:20 CH)


Đại biểu Chu Lê Chinh phát biểu tại hội trường

Đoàn Đại biểu Quốc Hội (QH) tỉnh Lai Châu thành lập và đi vào hoạt động từ sau cuộc bầu cử QH khóa XII (ngày 20/5/2007) gồm 6 đại biểu, trong đó có 2 Đại biểu ở Trung ương ứng cử tại Lai Châu. Qua thời gian hoạt động, với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu, tâm tư nguyện vọng của người dân nơi miền Tây bắc đã được quan tâm thỏa đáng, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Trải qua hai nhiệm kỳ QH khóa XII (2007-2011), QH khóa XIII (2011-2016), Đoàn Đại biểu QH Lai Châu đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Không ít kỳ họp làm "dậy sóng nghị trường" với những chủ đề đưa ra thảo luận mà dư âm của nó lan tỏa trong mỗi câu chuyện đầu ngày, mỗi bữa cơm chiều sum họp với đầy ắp những niềm tin và hy vọng của cử tri tỉnh nhà về một giai đoạn phát triển mới của quê hương, đất nước. Đó thực sự là những đại biểu của lòng dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Đã qua hơn 2.190 ngày có lẻ, nhưng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà vẫn nguyên cảm giác thỏa lòng khi lắng nghe những phát biểu, đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm của đại biểu Đặng Văn Chiến khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của QH, khóa XII về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu, được xây dựng tại huyện Nậm Nhùn (Chia tách từ huyện Mường Tè), ông khẳng định: chủ trương xây dựng dự án thủy điện Lai Châu thực sự là cơ hội lớn để nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn thoát khỏi đói nghèo, sắp xếp lại dân cư, cơ cấu lại sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Trước những phát biểu rất quả quyết và ý nghĩa thực tế, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt công trình và thủy điện Lai Châu một công trình trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng vào ngày 5/01/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD mỗi năm. Với ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, công trình thủy điện Lai Châu được các nhà thầu và chủ dự án triển khai thực hiện một cách tích cực. Nhờ vậy mà đến thời điểm hiện tại, tiến độ công trình đã vượt xa so với kế hoạch đề ra. Một thời gian không xa nữa thủy điện sẽ hoàn thành đưa cả ba tổ máy vào khai thác vận hành, mở ra nhiều hứa hẹn cho vùng Tây Bắc nói riêng và của quốc gia Việt Nam nói chung.

Công trình thủy điện Lai Châu đã bắt đầu phát điện tổ máy số 1

Cũng tại kỳ họp này, ông đã mạnh dạn đề nghị Chính phủ bổ sung dự án đường giao thông từ xã Nậm Manh đến Pắc Ma, xã Mường Tè, huyện Mường Tè và 3 cầu bê tông cốt thép trên tuyến đường này, là dự án thành phần của nhà máy thủy điện Lai Châu. Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn bộ vùng phía bờ phải của Sông Đà, giải quyết nhu cầu đi lại của Nhân dân, thúc đẩy khai thác tiềm năng đất đai, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc của huyện Nậm Nhùn, vùng cao huyện Sìn Hồ và vùng Dào San, huyện Phong Thổ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ nhất trí giao UBND tỉnh quyết định đầu tư dự án xây dựng cầu qua sông Đà và hệ thống đường ngang phía tây sông Đà, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngày 01/8/2011, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định 885/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình 03 cầu qua sông Đà và hệ thống đường ngang phía tây sông Đà, huyện Mường Tè. Dự án được phê duyệt với mục tiêu khắc phục tình trạng cô lập của địa bàn huyện Mường Tè và vùng lân cận sau khi tích nước lòng hồ thủy điện Lai Châu. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông đường bộ nối liền giữa các khu dân cư hai bên bờ sông Đà. Ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Xây dựng thủy điện Lai Châu đã mở ra cho huyện một hướng phát triển mới, đó là việc xây dựng đồng bộ hạ tầng điện, đường, trường, trạm...Mở ra hướng phát triển du lịch, đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Bố trí lại diện tích canh tác phù hợp, bền vững nâng cao đời sống Nhân dân”.

Đoàn đại biểu QH tỉnh nhà cũng đã có cách làm mới một cách linh hoạt mọi hoạt động, đưa việc tiếp xúc cử tri ngày càng “chạm gần” hơn nữa với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ấy vậy, tại phiên họp cuối năm 2010, Đại biểu Chu Lê Chinh đã tiếp tục đề nghị Chính phủ thực hiện triệt để, thống nhất Chương trình 135 trong giai đoạn 2011-2015 và các năm tiếp theo, xác định đây là chương trình tổng thể, toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, thôn bản, vùng dân tộc, miền núi, biên giới theo hướng phát triển nhanh bền vững. Đồng thời thay mặt cử tri tỉnh Lai Châu, ông đề nghị Chính phủ sớm đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu và dự án sân bay Lai Châu, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa Lai Châu với các vùng miền trong cả nước. Thêm một tín hiệu vui từ nghị trường, ý kiến của đại biểu Chu Lê Chinh cũng đã được QH tiếp thu. Hiện nay, toàn tỉnh có 77/96 xã vùng 135 được hưởng lợi từ các dự án thuộc chương trình 135; Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm triển khai dự án.

Điển hình cho các xã trong vùng 135 thì xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đã có sự phát triển bền vững, với 3.058 đồng bào dân tộc Dao và kinh cùng sinh sống. Trước đây đời sống bà con cơ cực lắm, cái đói, cái nghèo cứ thế tiếp nối từ năm này sang năm khác.  Nhưng từ khi thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Năm năm qua xã Hồ Thầu đã đầu tư xây dựng được 04 công trình, trong đó có 01 công trình giao thông; 02 công trình trường học; 01 công trình thủy lợi. Điểm nổi bật trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 ở xã Hồ Thầu chính là tiểu dự án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án đã tiến hành cấp phát cho các hộ nghèo các loại giống cây có tiềm năng kinh tế cao và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến từng hộ dân. Công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và chăn nuôi cũng được quan tâm đúng mức đã giúp đồng bào các dân tộc từng bước thay đổi được tập quán sản xuất cũ, chuyển sang sản xuất theo phương thức mới. Năng xuất ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, tạo ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, từng bước cải thiện đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo. Bà Phàn Thị Mẩy bản Kheo Thầu - Xã Hồ Thầu chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, từ khi được hỗ trợ cây giống, con giống và máy móc sản xuất nay kinh tế gia đình tôi đã khá hơn trước rất nhiều, đủ điều kiện để lo cho các con ăn học. Chúng tôi rất biết ơn Đảng và nhà nước”.

Nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân, lấy cuộc sống an lành, no đủ của nhân dân làm điểm mấu chốt trong các kiến nghị, đề xuất tại QH. Những đại biểu dân bầu, dân cử của tỉnh Lai Châu đã thực sự trở thành tai, mắt của người dân. Bên cạnh quả ngọt mang về cho tỉnh nhà, đoàn Đại biểu QH tỉnh Lai Châu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực, đào tạo liên thông THCS và THPT tại nội trú cấp huyện; Đề xuất, kiến nghị chính sách đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo cho 9 dân tộc rất ít người như: Si La, Mảng, Cống, Pu Péo, Bố Y, Bờ Ru…; Đề xuất, kiến nghị phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, bảo lưu phụ cấp đứng lớp cho giáo viên điều động từ cơ sở giáo dục lên công tác chuyên môn tại cấp phòng, Sở; nghiên cứu thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn về nơi có điều kiện thuận lợi; Đề xuất, kiến nghị phát triển trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chính sách phát triển loại hình trường bán trú dân nuôi, chính sách nhà ở cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa, nhà ở học sinh bán trú, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chính sách khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng… Bà Giàng Páo Mỷ - Trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh cho biết: “Để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đặc biệt đối với một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống như Lai Châu thì những người đại biểu đại QH trước hết phải có trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trình độ biết lắng nghe chọn lọc những ý kiến của Nhân dân từ đó đề xuất với QH, Chính phủ để có những cơ chế chính sách phù hợp”

Với vai trò, trọng trách mà Nhân dân giao phó, đại biểu QH tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục và cần phải tích cực hơn trong hoạt động, khắc phục khó khăn, chủ động sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, cố gắng làm tròn trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị của địa phương. Từ đó, vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương sẽ được phát huy.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             Dũng Tuấn - Diệp Hà

Tin liên quan

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TỔ CHỨC TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2011 - 2016; GẶP MẶT KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (06/01/1946 - 06/01/2016)(05/01/2016 4:29:27 CH)

PHÁT HUY VAI TRÒ TRONG THAM MƯU, PHỤC VỤ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH(31/12/2015 8:58:43 SA)

THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN THƯỜNG TRỰC UỶ BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH VỚI ĐOÀN ĐBQH TỈNH VỀ HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI(31/12/2015 8:52:20 SA)

BÀI PHỎNG VẤN ĐỒNG CHÍ CHU LÊ CHINH NHÂN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM(31/12/2015 8:42:49 SA)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH LAI CHÂU: TỪ NGHỊ TRƯỜNG ĐẾN THỰC TẾ(31/12/2015 8:34:20 SA)

Tin mới nhất

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 5 năm 2023(29/05/2023 6:12:20 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(29/05/2023 9:18:09 SA)

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này