20716 lượt truy cập
Trang chủ Tin tức hoạt động Hội đồng nhân dân Hội đồng nhân dân

Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai
(Ngày đăng :10/12/2019 9:13:57 CH)


Quang cảnh họp tổ thảo luận các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn

Sáng ngày 10/12/2019, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khoá XIV bước sang ngày làm thứ hai, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ. Tại 03 tổ thảo luận, đã có 38 lượt ý kiến tham gia vào các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.

Tham gia vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2019; kế hoạch năm 2020, đa số ý kiến của đại biểu nhất trí với đánh giá kết quả đạt được về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019 được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu có đánh giá và đề nghị làm rõ một số nội dung như: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hơn 40 ha quế trồng năm thứ 2 chết tại xã Khoen On, huyện Than Uyên; đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; kết quả chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền chi trả trên 01 ha; chất lượng, việc chuyển biến trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; việc xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu lĩnh vực nông nghiệp chưa sát thực tế còn phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục hạn chế này; công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, cung ứng giống giữa các huyện chưa đồng bộ, còn hạn chế; việc chăm sóc và trồng mới một số cây trồng như chè, quế, mắc ca ở một số nơi còn hạn chế chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số nơi tỷ lệ sống thấp, chất lượng không cao,...

Tham gia vào các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020, các đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể: Chỉ tiêu thứ 5: 93,7% bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi, đại biểu đề nghị tách rõ là bao nhiêu % có đường xe máy đi lại thuận lợi, bao nhiêu % có đường ô tô đi lại thuận lợi vì như dự thảo là không phù hợp, nhiều bản chỉ có đường đi được xe máy nhưng không đi được ô tô; chỉ tiêu thứ 8: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh 3,5%, trong đó các huyện nghèo giảm 5,1%, đại biểu đề nghị sửa thành riêng các huyện nghèo giảm trên 5%; đối với các chỉ tiêu như tốc độ tăng đàn gia súc, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ giảm nghèo chưa sát với tình hình thực tế của các huyện, ví dụ huyện Phong Thổ, tỷ lệ che phủ rừng tỉnh giao 43,4% huyện chỉ có khả năng đạt 42,2%; tỷ lệ giảm nghèo giao 5,1% trong khi huyện có khả năng đạt 4,1%; xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,5%” lên 10,5% cho phù hợp với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII,...

(Quang cảnh thảo luận tại tổ thảo luận thành phố và huyện Than Uyên)

Tham gia vào báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh năm 2019, kế hoạch năm 2020, đại biểu đồng tình với những nhận định, đánh giá của UBND tỉnh, tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài chưa được khắc phục, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần phải có giải pháp cụ thể để khắc phục được những tồn tại, hạn chế này trong năm 2020, bên cạnh đó đại biểu cũng nhấn mạnh một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị các văn bản trình kỳ họp của HĐND tỉnh một số văn bản chất lượng chưa cao, các nội dung trình kỳ họp phải điều chỉnh nhiều; việc triển khai các nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành có nội dung còn chậm; một số sở, ngành chưa thực sự nghiêm túc trong thực hiện các ý kiến chỉ đạo, thông báo kết luận của UBND tỉnh, cần phải chỉ rõ và gắn với công tác thi đua khen thưởng.

Về nhiệm vụ, giải pháp, đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp: Chỉ đạo rà soát việc chấp hành nghiêm việc chi ngân sách; khắc phục hạn chế về kết dư chuyển nguồn, có giải pháp xử lý vốn kéo dài; Rà soát lại tài sản, trụ sở của các cơ quan đơn vị từ khi tách tỉnh từ năm 2004 đến nay không sử dụng để có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả trong thời gian tới; chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh; việc di cư tự do; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm trong địp tết nguyên đán 2020; rút kinh nghiệm trong công tác giao kế hoạch, chỉ tiêu lĩnh vực nông nghiệp sát thực tế, hạn chế điều chỉnh kế hoạch,....

((Quang cảnh thảo luận tại tổ thảo luận các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường)

(Đại biểu Nguyễn Bảo Đông, tổ đại biểu huyện Sìn Hồ phát biểu tại phiên thảo luận tổ)

Tham gia vào các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị trong Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách địa phương năm 2019; dự toán thu ngân sách và phân bổ dự toán chi NSĐP năm 2020; tờ trình và Nghị quyết về dự toán thu NSNN trên địa bàn, thu, chi NSĐP và phân bổ NSĐP năm 2020, UBND tỉnh cần xem xét, tính toán nâng mức giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 2.150 tỷ lên 2.200 tỷ đồng vì năm 2019 đã giao là 2.150 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2019 là 2.159 tỷ đồng; việc giao thu ngân sách đối với một số huyện cao, như huyện Nậm Nhùn năm 2020 theo kế hoạch giao 30.600 triệu đồng, tuy nhiên theo tính toán các nguồn thu của huyện, chỉ tiêu này khó đạt, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp với các địa phương. Về chi ngân sách năm 2020, đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ làm nhà cho người có công trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất của các đơn vị thực hiện mua sắm tài sản, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất năm 2020 (125.332 triệu đồng, trong đó mua sắm 71.891 triệu đồng, sửa chữa 53.441 triệu đồng).

Tham gia vào báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn năm 2020, đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét, tính toán cân đối bố trí vốn để ưu tiên giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các nguồn vốn khác 84.178 triệu đồng (đối với các dự án do tỉnh quản lý) và 42.401 triệu đồng (đối với các dự án do cấp huyện quản lý); chú trọng quan tâm đầu tư các công trình phụ trợ cho các cấp trường, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Tham gia ý kiến vào các nghị quyết chuyên đề, đại biểu đề nghị hỗ trợ thêm ngày ăn cho học viên cai nghiện ma tuý tự nguyện, cụ thể ngày lễ, Tết dương lịch học viên được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết nguyên đán học viên được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường và chế độ ăn đối với học viên bị ốm được ăn thêm thấp nhất bằng 03 lần tiêu chuẩn ngày thường” theo ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; bổ sung hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao với mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/năm; thời gian tối thiểu là 06 tháng (dự thảo nghị quyết chỉ quy định tối đa là 12 tháng).

Về Đề án và dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020-2025, đại biểu đề nghị tại điểm a, khoản 1, Điều 1 “mục tiêu chung” đại biểu đề nghị bổ sung 01 mục tiêu: “Đến năm 2025 công nhận 11 bản đạt nông thôn mới gắn với du lịch”. Tại điểm b, khoản 1, Điều 1 đại biểu đề nghị bổ sung mục tiêu: 100% số đường trục bản, đường ngõ bản có điện chiếu sáng ban đêm; điều chỉnh tăng các mục tiêu: số đường trục bản, đường ngõ bản được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa từ 60% lên 100%; tỷ lệ học sinh ở các thôn bản tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông hoặc học nghề từ 70% lên 90%; số lao động ở thôn bản qua đào tạo có việc làm từ 60% lên 90%; số hộ chăn nuôi ở các thôn bản, có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường từ 90% lên 100%; điều chỉnh mục tiêu “phấn đấu mỗi bản có từ 3-5 nhà trở lên làm dịch vụ homstay đảm bảo các điều kiện theo quy định”,...

Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025, đại biểu đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu: Tốc độ tăng trường đàn gia súc đạt 4% lên 4,5% vì các xã này có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc; quan tâm nguồn vốn đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới tại các xã này; đối với các nhiệm vụ về trồng trọt, chuyển đổi 633ha ngô hiện có sang trồng các cây khác (Mường Tè 400ha, Sìn Hồ 83ha, Phong Thổ 150ha), đại biểu đề nghị làm rõ chuyển sang trồng cây gì, có hiệu quả bằng cây ngô không.

Dự thảo Nghị quyết Thông qua bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đề nghị xem xét việc điều chỉnh tăng giá đất đô thị tại các huyện không đồng đều, cần có sự thống nhất tránh việc tăng giá đất quá cao giữa các huyện; xem xét điều chỉnh giảm giá đất tại một số tuyến đã tăng giá cao năm 2018. Đồng thời chỉ điều chỉnh tăng giá đất các tuyến đô thị từ 80% đến 200% so với bảng giá đất năm 2014 đảm bảo tính thiết thực và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh về bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của HĐND tỉnh, về nội dung hỗ trợ phát triển cây ăn quả tập trung và cải tạo vườn tạp đề nghị không hỗ trợ giống mà hỗ trợ mắt ghép cho những cây bản địa, tận dụng bộ gốc, rễ khỏe của các cây trước để nhân giống.

Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, về nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống, đại biểu đề nghị riêng đối với sâm Lai Châu xem xét nhân giống từ hạt và cắt mắt. Về nguồn giống gốc, cần quy định rõ giống từ hạt, cây 1 năm, 2 năm, 3 năm vì liên quan đến đơn giá.

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành sớm hướng dẫn triển khai các nghị quyết ngay từ đầu năm 2020.

Theo chương trình, buồi chiều, HĐND tỉnh sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường./.

Tổng hợp

Tin liên quan

Kỳ họp thứ mười lăm (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026(20/05/2023 4:17:35 CH)

HĐND tỉnh giám sát thực hiện chính sách pháp luật về tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư công sử dụng nguồn cân đối ngân sách địa phương tại huyện Tam Đường(29/03/2023 2:14:12 CH)

Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”(16/01/2023 10:06:41 SA)

Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022(17/11/2022 3:08:07 CH)

Hội đồng nhân dân tỉnh: Thông qua 06 nghị quyết và bế mạc kỳ họp thứ bảy (29/06/2022 7:58:09 SA)

Tin mới nhất

Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 5 năm 2023(29/05/2023 6:12:20 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (29/05/2023 5:40:23 CH)

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV(29/05/2023 9:18:09 SA)

Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024(28/05/2023 4:28:21 CH)

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV(28/05/2023 4:17:52 CH)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH LAI CHÂU
Chịu trách nhiệm chính:
Trụ sở:
Email:
Số điện thoại:
Ông Dương Quốc Hoàn- Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lai Châu
Tầng 4,5 nhà B - khu Hành chính - Chính trị tỉnh
- Số điện thoại: 0213.3798.221
Số Fax:
0213.3798.228
ttdn.hdndtinh@laichau.gov.vn

Ghi rõ nguồn www.hdnd.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này